Cần mở nhiều tài khoản ngân hàng để tránh gián đoạn giao dịch?
Không nên bỏ trứng vào một giỏ
Từ tối 11/12, ứng dụng ngân hàng số của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã gặp sự cố nghiêm trọng, khiến nhiều khách hàng không thể thực hiện các giao dịch. Tình trạng gián đoạn ảnh hưởng đến cả các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng gọi xe... có tính năng thanh toán liên kết với tài khoản TPBank.
Đến chiều ngày 12/12, TPBank đã dần khôi phục lại giao dịch trên các kênh ngân hàng số, thẻ và quầy giao dịch. Tuy nhiên, một số giao dịch vẫn còn khó khăn tạm thời do lượng truy cập cao.
Khi được liên hệ hỏi về sự cố, đại diện TPBank cho biết: "Ngân hàng sẽ liên tục thông báo tình hình khắc phục sự cố tới khách hàng trên các kênh truyền thông chính thức của TPBank là Facebook và Website). Đồng thời, phía TPBank xin cầu thị ghi nhận mọi lời phàn nàn, mọi ý kiến góp ý của khách hàng để tiếp tục cải thiện và nâng cấp chất lượng phục vụ”.
Trên thực tế, sự cố gián đoạn giao dịch không phải là vấn đề riêng của TPBank mà đã từng xảy ra ở nhiều ngân hàng khác. Điều này khiến không ít khách hàng cho rằng việc chỉ sử dụng một tài khoản ngân hàng duy nhất là quá rủi ro, thay vào đó, nên mở thêm tài khoản tại các ngân hàng khác để đảm bảo khả năng giao dịch liên tục ngay cả khi có sự cố bất ngờ.
“Mỗi người nên mở ít nhất 2 – 3 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau và không nên 'bỏ hết trứng vào một giỏ' để có thể sử dụng linh hoạt hoạt hơn. Đề phòng trường hợp ngân hàng này gặp sự cố thì khách hàng vẫn có thể sử dụng tài khoản ở các ngân hàng khác để giao dịch”, anh Quang Hải (Hà Nội) cho biết.
Theo quy định hiện hành, một người có thể đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, thậm chí, các ngân hàng cũng cho phép việc mở nhiều tài khoản cùng lúc. Tuy nhiên, số tài khoản ngân hàng được phép mở tối đa tại mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào chính sách của từng đơn vị. Hiện nay, thủ tục đăng ký mở tài khoản, thẻ ATM cũng khá đơn giản và không tốn nhiều chi phí, thậm chí là miễn phí.
Việc mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau có thể giúp người dùng giảm rủi ro gián đoạn trong trường hợp nếu một ngân hàng gặp trục trặc, người dùng vẫn có thể sử dụng tài khoản từ ngân hàng khác để giao dịch.
Bên cạnh đó, với nhiều tài khoản thanh toán, khách hàng có thể sử dụng linh hoạt từng tài khoản cho từng mục đích khác nhau, chẳng hạn như tài khoản ở ngân hàng A phục vụ cho mục đích mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử, tài khoản ở ngân hàng B phục vụ cho các giao dịch thanh toán hàng ngày hoặc gửi tiết kiệm. Chưa kể, các ngân hàng thường có nhiều chương trình ưu đãi với các loại tài khoản, nhờ đó, khách hàng có thể tận dụng tối đa các ưu đãi như hoàn tiền, tích điểm, giảm giá...
Rủi ro khi mở quá nhiều tài khoản
Tuy nhiên, việc mở quá nhiều tài khoản ngân hàng cũng mang lại những rủi ro nhất định. Không ít người mở tài khoản ngân hàng chỉ để nhận các ưu đãi liên quan hoặc đơn giản là ủng hộ cho bạn bè đối tác rồi để đó và không dùng đến. Chỉ khi có thông báo phải đóng những khoản phí phát sinh như phí quản lý tài khoản hay lọt, lộ thông tin tài khoản cá nhân,.. khách hàng mới tá hỏa và vội vàng khóa thẻ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mỗi người chỉ nên tối đa khoảng 2 – 3 thẻ/tài khoản ở các ngân hàng để hạn chế tình trạng quên mật khẩu, quên thanh toán phí duy trì thẻ và các chi phí phát sinh. Việc giới hạn số lượng tài khoản giúp khách hàng dễ dàng phân biệt mục đích sử dụng cho từng tài khoản, chẳng hạn như tài khoản chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm hay thẻ tín dụng, từ đó kiểm soát các giao dịch và chi tiêu một cách hiệu quả.
Hơn nữa, điều này cũng giúp bảo mật thông tin cá nhân tốt hơn, giảm nguy cơ bị lộ thông tin và tránh các khoản phí duy trì không cần thiết. Đồng thời, khi có ít tài khoản, người dùng cũng có thể quản lý tín dụng một cách hiệu quả, bảo vệ điểm tín dụng của mình.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạo, rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, các ngân hàng cũng cần phải rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN và pháp luật liên quan; phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn