Cần thêm động lực để dòng vốn ngoại quay trở lại

Liên tục bán ròng

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài kéo dài từ năm 2024 đến nay, đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp khối này rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). Nhìn dài hơn, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 5 tỷ USD (khoảng 128.400 tỷ đồng) - mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Đặc biệt, chỉ tính từ đầu năm 2025 đến trước phiên giao dịch ngày 10/2, khối ngoại đã bán ròng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó, riêng sàn HOSE bị bán ròng hơn 10.700 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, khối ngoại chỉ bán ròng khoảng 300 tỷ đồng, cho thấy áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ.

Trong đó, áp lực bán của nhà đầu tư ngoại lan rộng trên nhiều cổ phiếu bluechip. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT đứng đầu danh sách với giá trị bán ròng gần 2.200 tỷ đồng. Tiếp theo là VIC (Vingroup), bị bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng, chủ yếu qua các giao dịch thỏa thuận. Vinamilk (VNM) cũng ghi nhận mức bán ròng xấp xỉ 970 tỷ đồng, Masan (MSN) bị bán gần 860 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã STB (Sacombank), SSI (Chứng khoán SSI), FRT (FPT Retail), MWG (Thế giới Di động) cũng ghi nhận mức bán ròng trên 400 tỷ đồng trong hơn một tháng qua.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao, trong khi nhiều thị trường khác đang đối mặt với tăng trưởng thấp hoặc dấu hiệu giảm tốc; đồng thời VN-Index hiện chỉ xếp sau Hàn Quốc và Philippines, có mức hấp dẫn vượt trội so với các thị trường còn lại. Do đó, TTCK vẫn duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn toàn cầu, đặc biệt khi có thêm chất xúc tác từ việc nâng hạng thị trường.

Cùng quan điểm, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cũng nhận định, sau giai đoạn bán ròng kéo dài, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2025, đặc biệt khi kinh tế thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu dần ổn định.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, việc FTSE và MSCI nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm 5 tỷ USD vào thị trường chứng khoán, trong đó dự kiến ​​sẽ có dòng tiền đổ vào đáng kể trước khi nâng hạng, vì các nhà đầu tư tích cực sẽ đặt cược vào việc định giá tăng cao.

FTSE ước tính, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mang lại 1 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư thụ động và 5 tỷ USD khác thông qua các quỹ chủ động.

Cần những động lực mới để dòng vốn ngoại quay trở lại

Dòng vốn ngoại rút lui trong thời gian dài đặt ra yêu cầu cấp thiết về những động lực mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút dòng vốn ngoại là việc nâng hạng thị trường.

"Nếu đạt được điều này, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn mạnh mẽ hơn, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cả nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư đã chờ đợi điều này từ khá lâu và hiện nay khả năng này ngày càng gần khi thị trường đã đáp ứng được các tiêu chí để được nâng hạng", ông Khánh đánh giá.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém là cấu trúc thị trường cũng cần thay đổi để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế. Hiện nay, các nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản chiếm khoảng 50% vốn hóa thị trường, trong khi ở nhiều nước phát triển, những lĩnh vực như công nghệ, AI, bán dẫn, năng lượng tái tạo mới là động lực chính thu hút dòng vốn khi xu hướng AI… bùng nổ toàn cầu.

"Hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ, AI, bán dẫn, năng lượng tái tạo, do đó việc có thêm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này và nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp, thị trường sẽ trở nên cân bằng hơn, có những hàng hóa hấp dẫn nhà đầu tư hơn, “hot trend” hơn và có khả năng thu hút dòng vốn ngoại bền vững", ông Khánh nhận định.

Mặt khác, dù tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh so với trước đây, nhưng tác động của dòng vốn ngoại vẫn rất lớn đối với tâm lý thị trường. Một khi xu hướng mua ròng quay trở lại, không chỉ giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, mà còn có thể kích hoạt dòng tiền nội tham gia mạnh mẽ hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn để thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại, góp phần ổn định và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Đâu là giải pháp dài hạn?

Về triển vọng thu hút dòng vốn ngoại bền vững, ông Khánh đánh giá: “Trong năm 2025, dòng vốn ngoại quay lại có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Để thu hút bền vững, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng hơn trong việc phát triển các ngành công nghệ cao và nâng cao chất lượng nhân lực”.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp công nghệ niêm yết còn hạn chế, làm giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Khánh, việc nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cũng đóng vai trò quan trọng. Các tập đoàn lớn thường tìm kiếm thị trường có nguồn nhân lực chất lượng để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành truyền thống như thực phẩm, sản xuất, tài chính, logistics… để nâng cao khả năng cạnh tranh. Hợp tác với các tập đoàn lớn và các quốc gia có công nghệ phát triển sẽ giúp thị trường tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến hơn.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, cũng cho rằng, bên cạnh việc nâng hạng thị trường, Việt Nam cần thực hiện một số cải cách quan trọng để tăng sức hút đối với dòng vốn ngoại.

Cụ thể, thị trường cần cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết bằng cách nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin, đặc biệt là việc cung cấp báo cáo tài chính song ngữ để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, thị trường cũng cần được giám sát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế các hành vi thao túng giá cổ phiếu, trục lợi từ thông tin nội gián, qua đó đảm bảo tính công bằng và bền vững.

Ngoài ra, việc cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường cũng đóng vai trò quan trọng, bao gồm đẩy nhanh triển khai hệ thống giao dịch mới, nâng cao khả năng kết nối với các thị trường quốc tế và đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho khối ngoại.

"Những cải cách này không chỉ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thu hút dòng vốn dài hạn và thúc đẩy sự phát triển bền vững", ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần những bước đi chiến lược và những cải cách mạnh mẽ hơn để có thể cạnh tranh với các thị trường mới nổi khác trong khu vực và vươn tầm thế giới.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn