Thêm kết luận thanh tra công ty bảo hiểm
Đầu tuần qua, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố kết luận thanh tra theo kế hoạch về bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam).
Theo kết luận thanh tra, năm 2022, AIA Việt Nam bán bảo hiểm thông qua 6 tổ chức tín dụng gồm VPBank, BVBank, KienlongBank, Public Bank Việt Nam, CitiBank Việt Nam và HSBC Việt Nam. Trong đó, ngân hàng có doanh thu bảo hiểm khai thác mới chiếm tỷ trọng lớn nhất là VPBank.
Kết luận thanh tra đã nêu rõ các tồn tại, vi phạm của AIA Việt Nam trong hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, có các cá nhân thuộc đại lý tổ chức không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi thực hiện hoạt động đại lý, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư; hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung chưa thực hiện đầy đủ theo quy định do Công ty ban hành; ban hành chương trình khuyến mãi với nội dung không phù hợp với quy định pháp luật; hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng theo quy định…
Liên quan tới việc hạch toán chi phí chưa đúng quy định, theo kết luận thanh tra, AIA Việt Nam phải bổ sung gần 918 tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm kiến nghị xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2022 như sau: Hạch toán giảm chi phí hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi phí thưởng cho đại lý tổ chức là VPBank tương ứng với 232 hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được giới thiệu, chào bán bởi 167 nhân viên ngân hàng không đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định pháp luật với tổng số tiền là hơn 4,7 tỷ đồng…
Cần thêm thông tin
Hoạt động thanh tra hướng đến kiểm tra quá trình kinh doanh của các công ty bảo hiểm, nếu phát hiện sai phạm và được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh sẽ giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo niềm tin cho xã hội đối với bảo hiểm.
Thực ra, kết luận thanh tra tại AIA Việt Nam cũng xuất hiện những “lỗi” tương tự như các công ty bảo hiểm nhân thọ khác.
Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính ngày 29/3/2024, bà Phạm Thu Phương - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm (3 doanh nghiệp nhân thọ và 2 doanh nghiệp phi nhân thọ), qua đó phát hiện sai phạm liên quan tới công tác ban hành quy trình quy chế, kiểm soát, giám sát đại lý; công tác quản lý và sử dụng đại lý cũng mắc sai phạm, công tác hạch toán, kế toán có nhiều sai sót…
Bà Phương cũng cho hay, kết luận thanh tra đối với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam đã được công bố công khai vào ngày 2/2/2024 trên website của Cục (https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/cqlgsbh), nhưng hiện tại, thông tin này không còn xuất hiện.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính ngày 19/1/2024, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết đã hoàn thành thanh tra 8/10 doanh nghiệp trong công tác thanh tra bảo hiểm năm 2023. Dự kiến, việc kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn tất trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Dù vậy, từ đó đến nay, phóng viên Báo Đầu tư chứng khoán nhiều lần liên hệ tới đại diện Cục Giám sát và Quản lý bảo hiểm cũng như các công ty bảo hiểm đã được thanh tra để cập nhật thông tin kết luận thanh tra nhưng đều chưa nhận được hồi âm.
Đáng chú ý, sau khi lãnh đạo Cục Giám sát và Quản lý bảo hiểm thông tin việc công khai kết luận thanh tra Dai-ichi Life Việt Nam trên website của cơ quan này, nhưng khi truy cập lại không tìm thấy và tới nay, thông tin này cũng chưa thấy đăng tải.
Bình luận về nội dung công bố kết luận thanh tra, ông Lương Văn Ban - Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, sau khi kết thúc hoạt động thanh tra, để ra kết luận thanh tra và công bố kết luận này thì còn trải qua nhiều khâu và quy trình được quy định trong Luật Thanh tra năm 2022, đó là báo cáo kết quả thanh tra và thời gian báo cáo của cơ quan thanh tra là 20 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày căn cứ theo Điểm b, Khoản 4, Điều 73 của luật này. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra tiếp tục xây dựng kết luận thanh tra, tham khảo ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra rồi mới ban hành, toàn bộ quá trình này có thể kéo dài từ 50-70 ngày. Với những vụ việc phức tạp, thời gian công bố kết luận thanh tra có thể kéo dài hết thời gian tối đa cho phép.
Còn về băn khoăn trong khi kết luận thanh tra cũ chưa công bố mà cơ quan quản lý tiếp tục tiến hành các cuộc thanh tra mới, ông Ban cho biết, điều này không ảnh hưởng tới doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí việc chưa công bố kết luận đôi khi còn có lợi và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, bởi nếu công bố kết quả thanh tra doanh nghiệp này thì doanh nghiệp khác có thể biết trước những vấn đề thanh tra, từ đó dễ dẫn đến việc doanh nghiệp tìm cách “lách luật”, ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Đối với người tham gia bảo hiểm, nếu tham gia đúng với nguyện vọng của mình thì các hợp đồng bảo hiểm không bị ảnh hưởng bởi kết luận thanh tra, ngay cả khi công ty bảo hiểm bị kết luận có sai phạm trong công tác bán hàng cũng không ảnh hưởng đến các hợp đồng bảo hiểm bởi đây là giao dịch giữa công ty bảo hiểm và khách hàng, không chịu tác động bởi khâu quản lý bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm.
Trường hợp bị đánh tráo khái niệm để lập hợp đồng bảo hiểm mà có đầy đủ chứng cứ chứng minh, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện ra toà án có thẩm quyền để định đoạt hợp đồng, việc này cũng không chịu bất kỳ tác động nào từ kết quả thanh tra công ty bảo hiểm.
Có thể thấy, dù khách hàng hiện hữu không bị ảnh hưởng, song việc công bố các kết luận thanh tra kịp thời và chi tiết có thể giúp người chưa tham gia bảo hiểm “né” được những công ty bảo hiểm kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, bài bản. Hoạt động thanh tra hướng đến kiểm tra quá trình kinh doanh của các công ty bảo hiểm, nếu phát hiện sai phạm và được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh sẽ giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo niềm tin cho xã hội đối với bảo hiểm, nhất là trong bối cảnh niềm tin xuống thấp như hiện nay.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, ngoài hoạt động theo kế hoạch, cơ quan quản lý cũng cần công bố cả những kết luận thanh tra không theo kế hoạch dựa trên đơn thư khiếu nại từ người dân, người tham gia bảo hiểm…
Trước đó, ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife và MB Ageas và theo cơ quan này, đến thời điểm hiện tại đã công bố kết luận thanh tra 6/10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong kế hoạch thanh tra năm 2023.
Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.