Cảng biển lớn nhất miền Bắc gia tăng áp lực cạnh tranh trong năm 2025
Trong năm 2025, thị trường cảng biển tại Hải Phòng chứng kiến sự gia tăng áp lực cạnh tranh đáng kể khi nhiều bến cảng mới đi vào hoạt động. Hiện tượng này là kết quả của xu hướng gia tăng công suất tại các cảng biển trong khu vực Châu Á, kèm theo đó là những thay đổi về xu hướng sản xuất và vận tải.
Những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang đắt ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Để phân tán rủi ro, các doanh nghiệp quốc tế đang chuyển dần hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác. Xu hướng này làm gia tăng nhu cầu logistics và vận chuyển tại khu vực như Việt Nam, trong đó có Hải Phòng — trung tâm logistics quan trọng phía Bắc.
Thêm vào đó, các hãng tàu quốc tế đang tăng kích thước tàu để tăng hiệu quả vận chuyển và tiết kiệm chi phí. Việc tăng kích thước tàu đòi hỏi các cảng biển phải đầu tư mớn nước sâu, cầu bến dài và trang thiết bị hiện đại. Tại Hải Phòng, những bến cảng như Lạch Huyện 3-4 và 5-6 đang đẩy nhanh tiến độ thi công và sẽ đi vào khai thác từ QI/2025.
Theo PHS tổng hợp |
Việt Nam hiện có 34 cảng biển, nhưng thị phần tập trung chủ yếu vào hai doanh nghiệp có vốn Nhà nước: Tân Cảng – Sài Gòn và VIMC, chiếm hơn 60% thị phần. Các doanh nghiệp tư nhân như GMD chiếm thị phần dưới 40%, nhưng đang tăng trưởng nhờ chuyển hướng khai thác cảng.
Sự xuất hiện của các bến cảng mới tại Hải Phòng gây ra áp lực cạnh tranh không chỉ về giá cảng phí mà còn về chất lượng dịch vụ. Nhiều tập đoàn logistics quốc tế như Maersk, MSC, và CMA CGM đang tăng cường hiện diện tại khu vực này.
Nguồn cung cảng tăng mạnh tại Hải Phòng
Trong giai đoạn 2025-2026, nguồn cung công suất tại cảng Hải Phòng dự kiến tăng thêm 34% so với hiện tại.
Lạch Huyện 3-4 do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã thành lập liên doanh với Terminal Investment Limited (TIL), công ty con của Mediterranean Shipping Company (MSC) – hãng tàu container lớn nhất thế giới, để quản lý và vận hành hai bến cảng này. Hai bến chính có tổng chiều dài 750 mét, được thiết kế để tiếp nhận tàu container có tải trọng từ 8.000 đến 14.000 TEU, tương đương 100.000-160.000 DWT. Công suất thiết kế dự kiến đạt 1-1,1 triệu TEU mỗi năm, nâng tổng công suất của Cảng Hải Phòng lên 3,2 triệu TEU/năm, chiếm 25,5% công suất khai thác toàn cảng Hải Phòng. Cầu cảng đã hoàn thành vào tháng 5/2024. Hiện đang trong giai đoạn lắp đặt các thiết bị cần cẩu giàn bánh lốp và cần cẩu giàn cầu tàu chuyên dụng, dự kiến sẽ hoàn tất để bắt đầu khai thác trong quý I/2025. Liên doanh này kỳ vọng sẽ thu hút các tuyến dịch vụ từ các hãng tàu lớn, gia tăng sản lượng hàng hóa thông qua cảng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Lạch Huyện 5-6 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco hợp tác với APM Terminals của Maersk . Tổng mức đầu tư của dự án là 8.951,185 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,1 triệu TEU mỗi năm. Quy mô đầu tư, các hạng mục chính của dự án, đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900 m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container từ 18.000 - 20.000 TEUS; 02 bến sà lan có chiều dài 200m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 TEU, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam đến các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Dự kiến sẽ hoàn tất để bắt đầu khai thác trong quý I/2025
Báo cáo ngành cảng biển quý III/2024. Nguồn: VCBS |
Nam Đình Vũ giai đoạn 3 do Gemadept đầu tư với diện tích 23 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, công suất 650.000 TEU/năm, nâng tổng diện tích dự án Cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 1, 2 và 3) là 65ha, tổng vốn đầu tư 6.700 tỷ đồng và công suất 2 triệu TEU và 3 triệu tấn hàng rời mỗi năm.
Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn và nhất là các cảng không có hợp tác với các hãng tàu. Năm 2025, khi Lạch Huyện 3-4, 5-6 đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn tại cụm cảng Hải Phòng vốn đang dư công suất và với các cảng có khả năng đón tàu lớn như HICT và Nam Đình Vũ (GMD)
Theo VPA, PHS ước tính và tổng hợp |
Cảng Hải Phòng luôn có vai trò là cửa ngõ ra biển lớn nhất miền Bắc. Là cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia, đứng thứ 2 sau cảng Sài Gòn. Đây là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế có tiềm năng phát triển đa dạng nhất hiện nay. Với những thay đổi về nguồn cung công suất và sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, cảng Hải Phòng đang đối diện với một môi trường cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh này, sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn