Cảng Đồng Nai tự phá kỷ lục lãi ròng; Bamboo Capital lợi nhuận tăng hơn 10 lần; Casumina lãi ròng quý cao nhất 7 năm
Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tiêu thụ khả quan
Tổng sản lượng tiêu thụ của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ thủy sản tăng 27% so với cùng kỳ, lên 4.272 tấn.
Tổng sản lượng tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta tăng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ thủy sản |
Trên Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, sản lượng tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta ghi nhận hơn 4.607 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó thu về 49,5 triệu USD, tương đương 1.461 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 50 tỷ đồng, tăng 14%.
So với kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 (320 tỷ đồng), Công ty thực hiện được 18% sau quý đầu năm.
Tính đến cuối quý I/2024, Thực phẩm Sao Ta có quy mô tài sản hơn 3.503 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm.
Bamboo Capital lợi nhuận tăng hơn 10 lần
Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với nhiều điểm sáng. Kết thúc quý đầu năm, BCG ghi nhận doanh thu thuần đạt 985,4 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý I đạt 98,2 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo chiếm 32,5% tỷ trọng doanh thu của Bamboo Capital |
Sự đóng góp về mặt doanh thu đến chủ yếu từ mảng năng lượng tái tạo với 320,4 tỷ đồng, chiếm 32,5%. Mảng xây dựng hạ tầng thu 222,1 tỷ đồng, chiếm 22,5%. Mảng kinh doanh bất động sản đem về 209,8 tỷ đồng doanh thu, chiếm 21,3%. Mảng dịch vụ tài chính đóng góp chiếm 18,8% tỷ trọng doanh thu của cả Tập đoàn, với 185,7 tỷ đồng.
Ngoài yếu tố tăng trưởng doanh thu, một trong những yếu tố quan trọng khác giúp Bamboo Capital đạt được mức tăng lợi nhuận đột biến này là nhờ vào việc kiểm soát tốt chi phí lãi vay. Cụ thể, chi phí lãi vay của Tập đoàn này giảm 129,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương với mức giảm 32,7%. Việc giảm chi phí lãi vay là nhờ các nỗ lực chủ động thanh toán nợ vay và nợ đối tác trong năm 2023 để giảm thiểu rủi ro tài chính.
Theo tài liệu mà Bamboo Capital công bố, Tập đoàn này đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 6.102,5 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 951,7 tỷ đồng. So với kết quả đạt được của năm 2023, kế hoạch kinh doanh 2024 của Tập đoàn Bamboo Capital dự kiến tăng trưởng 152% về doanh thu và tăng 556% về lợi nhuận.
Casumina lãi ròng quý I cao nhất trong 7 năm
Quý I/2024, doanh thu của Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) đạt 1,147 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, do chịu tác động bởi cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, lãi ròng lại tăng 177% nhờ cải thiện biên lãi gộp và tăng lợi nhuận khác, đánh dấu quý 1 lãi ròng cao nhất từ năm 2018.
Doanh thu quý I/2024 của Công ty cổ phần Cao su miền Nam đạt 1,147 tỷ đồng |
Trong quý I/2024, Casumina ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.147 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Theo Công ty, thị trường nội địa vẫn chưa hồi phục, lượng tiêu thụ còn thấp, mặt khác tình hình suy thoái kinh tế dẫn đến khách hàng xuất khẩu đề nghị giảm giá bán.
Tuy nhiên, biên lãi gộp được cải thiện đến 6,3 điểm phần trăm lên mức 12,9%, giúp lãi gộp tăng 81% lên hơn 147 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 84% còn gần 2 tỷ đồng, do không còn ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá. Nhưng chi phí tài chính cũng giảm 21% còn 31,1 tỷ đồng nhờ giảm lãi tiền vay, nên kết quả hoạt động tài chính không thay đổi quá nhiều, chỉ lỗ thêm khoảng 1 tỷ đồng.
Chỉ tiêu lợi nhuận khác tăng mạnh đến 712%, lên 9 tỷ đồng. Đây cũng là yếu tố tác động tích cực giúp Casumina lãi ròng gần 20 tỷ đồng, tăng 177%.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 công bố gần đây, CSM đặt kế hoạch doanh thu hơn 5,204 tỷ đồng và lãi trước thuế 80 tỷ đồng. Nếu kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua vào ngày 23/04 tới, CSM sẽ khép lại quý 1 với việc thực hiện lần lượt hơn 23% mục tiêu doanh thu và gần 30% mục tiêu lợi nhuận.
Tisco trở lại mạch báo lãi sau thời gian dài thua lỗ
Quý đầu năm 2024, bức tranh kinh doanh của Tisco khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, Công ty ghi nhận lãi ròng gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng. Với kết quả này, Tisco đã có lãi 2 quý liên tiếp. Trong giai đoạn trước đó, công ty từng ghi nhận chuỗi lỗ 5 quý liên tiếp.
Bức tranh kinh doanh quý I/2024 của Tisco khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ |
Góp phần vào bức tranh tích cực của Tisco là sự cải thiện về biên lợi nhuận gộp (từ 2,3% lên 4,8%), mảng tài chính tích cực hơn (với doanh thu tài chính tăng, trong khi chi phí giảm) và chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ.
Điểm tiêu cực hiếm hoi trong báo cáo kinh doan lần này của Tisco là chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, ở mức 55 tỷ đồng, do không có khoản hoàn nhập dự phòng như quý 1/2023.
Cho năm 2024, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 13 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng. Với khoản lãi trước thuế 7 tỷ đồng trong quý I/2024, Tisco đã thực hiện được 50% kế hoạch lãi trước thuế năm 2024.
Về năm 2024, HĐQT Tisco đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt là xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và có xu hướng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất với mức độ khó lường.
Vì tình hình còn nhiều bất ổn, ban lãnh đạo Tisco cũng đề nghị đề nghị ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện Tisco vẫn đang giải quyết các vấn đề ở dự án Gang thép Thái Nguyên 2. Đây là dự án từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã "nằm đắp chiếu" 15 năm qua. Trên bảng cân đối kế toán, phần chi phí xây dựng dở dang cho dự án này ở mức 6,7 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 3,5 ngàn tỷ đồng là lãi vay vốn hóa.
Ban lãnh đạo Tisco cho biết dự án này đang được các cấp có thẩm quyền chỉ đạo để giải quyết, xử lý dứt điểm các vướng mắc và tồn tại.
Bên cạnh đó, Tisco cũng sẽ chi ra 653 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và một số dự án mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất của công ty.
Cảng Đồng Nai vừa tự phá kỷ lục lãi ròng quý
CTCP Cảng Đồng Nai vừa công bố BCTC quý 1/2024, với doanh thu thuần hơn 313 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cảng Đồng Nai, kết quả tăng trưởng chủ yếu nhờ kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại.
Cảng Đồng Nai ghi nhận lãi ròng quý I/2024 là 85 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi theo quý tốt nhất Công ty đạt được kể từ năm 2010 |
Bên cạnh đó, công trình sân bay Long Thành, các công trình trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 3-HCM, cao tốc Bến Lức-Long Thành đang triển khai đưa vào xây dựng tạo cơ hội cho việc khai thác nguồn hàng nguyên vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Cảng Đồng Nai đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng làm hàng container kịp thời, giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao. Qua đó, sản lượng ngành hàng container và tổng hợp tăng lần lượt 56% và 13%, thúc đẩy doanh thu tăng trưởng.
Biên lãi gộp cải thiện 3,6 điểm phần trăm lên mức 39,7%, giúp lãi gộp tăng 52% lên hơn 124 tỷ đồng. Sau cùng, Cảng Đồng Nai ghi nhận lãi ròng 85 tỷ đồng, tăng 59%. Đây cũng là mức lãi theo quý tốt nhất mà Công ty đạt được kể từ thời điểm chào sàn chứng khoán năm 2010.
Theo tài liệu đại hội thường niên 2024, HĐQT Cảng Đồng Nai dự trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 1.217 tỷ đồng và lãi ròng 296 tỷ đồng. Trường hợp kế hoạch được thông qua, Cảng Đồng Nai đã thực hiện lần lượt 26% mục tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận khi khép lại quý I.
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản của Cảng Đồng Nai gần 1.413 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Cuối quý I/2014, Cảng Đồng Nai còn tổng cộng gần 96 tỷ đồng nợ vay.
CTCP Cảng Đồng Nai tiền thân là một xí nghiệp trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai được thành lập năm 1989. Năm 2006, CTCP Cảng Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động với vốn điêu lệ 34,9 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi, tính đến 31/03/2024, vốn điều lệ Công ty đạt hơn 370,4 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn