Cảng Quy Nhơn chào sàn HoSE sau 7 năm
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) thông báo nhận được quyết định chấp thuận niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 29/12/2023. Ngày chính thức giao dịch 18/1. Với giá tham chiếu 19.100 đồng/cp, doanh nghiệp được định giá 772 tỷ đồng khi lên sàn chứng khoán.
Cảng Quy Nhơn nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HoSE từ tháng 12/2016. Sau đó, cơ quan này đã yêu cầu bổ sung hồ sơ nhưng doanh nghiệp không thực hiện theo yêu cầu. Vì vậy, cơ quan này thông báo dừng xem xét hồ sơ vào cuối tháng 12/2017.
Liên tiếp các năm 2018, 2020, 2022, HoSE nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Cảng Quy Nhơn. Qua mỗi lần, sở đều yêu cầu công ty bổ sung hồ sơ liên quan đến thanh tra cổ phần hóa nhưng công ty chưa bổ sung đầy đủ theo quy định.
Như vậy, sau hơn 7 năm, công ty cũng hoàn thành được quá trình niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Cảng Quy Nhơn là cảng lớn tại miền Trung, được thành lập từ 1976. Công ty cổ phần hóa từ 2013 và duy trì mức vốn điều lệ 404 tỷ đồng đến nay. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) là công ty mẹ với tỷ lệ nắm giữ 75,01% vốn.
Doanh nghiệp có 1 công ty con sở hữu 100% là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Logistics Cảng Quy Nhơn và nắm 20% vốn Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghiệp Hàng Hải.
Bên cạnh hoạt động chính khai thác cảng cung cấp dịch vụ bốc xếp hàng hóa, doanh nghiệp còn cung cấp dịch vụ vận tải bộ và đại ký kinh doanh xăng dầu. Trong đó, mảng khai thác cảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chính. Biên lợi nhuận gộp của mảng khai thác cảng cũng tốt khi đạt từ 36% trở lên trong khi dịch vụ cảng thấp hơn 5%.
Kết quả kinh doanh cảng có sự đi xuống trong năm 2022 khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại do bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, hoạt động khai thác cảng không thuận lợi. Doanh thu giảm 18% xuống 1.069 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 87% xuống 44 tỷ đồng. Trong 9 tháng 2023, doanh nghiệp đạt 695 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2018 – 2021, công ty chi trả cổ tức tiền mặt từ 1.600 đồng/cp đến 2.000 đồng/cp mỗi năm, riêng 2022 giảm xuống 1.200 đồng/cp.
Ở diễn biến liên quan, đơn vị tư vấn niêm yết là Chứng khoán BIDV chỉ ra một số thông tin, tranh chấp kiện tụng liên quan đến công ty làm ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu niêm yết. Cụ thể, công ty có tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long.
Vụ kiện kéo dài từ 2019 đến cuối 2022 qua nhiều lần kháng cáo thì Tòa án nhân dân cao cấp tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn là Công ty Cửu Long, buộc Cảng Quy Nhơn phải trả tổng số tiền 53,5 tỷ đồng, tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế với Cửu Long và nộp án phí 191 triệu đồng. Cảng Quy Nhơn đã trích lập dự phòng phải trả cho khoản nợ trong năm 2022 sau khi nhận được bản án.
Với khoản tạm thu của bà Phạm Thị Thúy Linh số tiền 1,1 tỷ đồng liên quan đến tranh chấp trên, vào tháng 9/2023, Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn phát quyết chấp thuận yêu cầu phản tố của Công ty Cửu Long và buộc Cảng Quy Nhơn phải trả số tiền 1,76 tỷ đồng (bao gồm lãi). Cảng Quy Nhơn đang làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Ngoài ra, thời gian thực hiện kết luận thanh tra cổ phần hóa công ty bị kéo dài do vướng ở phía Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty Luật TNHH DQ Việt Nam (đơn vị được Hợp Thành ủy quyền).
Tuy nhiên, công ty mẹ - VIMC khẳng định việc xác định lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và thực hiện nghĩa vụ là vấn đề giữa VIMC và Công ty Hợp Thành không ảnh hưởng tình hình tài chính của Cảng Quy Nhơn. VIMC cũng đã có văn bản giải trình rõ và đề nghị hỗ trợ Cảng Quy Nhơn được niêm yết với HoSE.
Xem thêm tại nhadautu.vn