Cảng Quy Nhơn lý giải giá cổ phiếu tăng gấp đôi sau nửa tháng chào sàn HoSE
Chào sàn HoSE từ 18/1, cổ phiếu QNP của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn gây chú ý khi có 11 phiên tăng trần liên tiếp, giá từ 19.100 đồng/cp lên 44.700 đồng/cp, gấp 2,3 lần. Riêng phiên ngày 2/2, cổ phiếu bị “đánh úp” cuối phiên, giá từ tăng trần 47.800 đồng/cp xuống 41.850 đồng/cp, vẫn hơn gấp đôi giá tham chiếu chào sàn. Thanh khoản cổ phiếu khá thấp, chỉ khoảng 20.000 đơn vị mỗi phiên, riêng phiên 2/2 đột biến khớp lệnh 75.000 đơn vị. Vốn hóa thị trường lên gần 1.700 tỷ đồng.
Trước diễn biến tăng trần liên tục, ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn đã có 2 lần lên tiếng giải thích. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng diễn biến cổ phiếu do cung cầu của thị trường chứng khoán quyết định, nằm ngoài kiểm soát của công ty. Cảng Quy Nhơn cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường.
Để được niêm yết cổ phiếu trên HoSE là nỗ lực của ban lãnh đạo Cảng Quy Nhơn trong 7 năm ròng. Công ty nộp hồ sơ niêm yết HoSE từ tháng 12/2016. Do một số vướng mắc liên quan đến thanh tra cổ phần hóa, công ty đã nhiều lần bị HoSE dừng xem xét hồ sơ do không thể bổ sung đầy đủ tài liệu theo yêu cầu.
Cụ thể, trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành đã mua 86,23% vốn Cảng Quy Nhơn, định giá doanh nghiệp thời điểm đó khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều yếu tố bất thường liên quan đến quá trình cổ phần hóa cảng. Đến năm 2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhận chuyển giao lại 75% vốn Cảng Quy Nhơn từ Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, kết thúc những lùm xùm liên quan cổ phần hóa QNP.
Tuy nhiên, theo bản cáo bạch niêm yết, vì nhiều lý do mà phương án lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư - Công ty Hợp Thành chưa được chốt dù bên VIMC đã nhiều lần đôn đốc. VIMC đã cam kết vấn đề tồn tại giữa VIMC và Công ty hợp thành không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Cảng Quy Nhơn và đề nghị các cấp hỗ trợ cho công ty được niêm yết.
Tại thời điểm cuối 2023, VIMC là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 75% vốn Cảng Quy Nhơn. Các lãnh đạo của công ty sở hữu rất ít cổ phiếu QNP. Thành viên HĐQT Nguyễn Thành Nam cùng vợ Võ Thị Đông Phương nắm giữ 32.900 cổ phiếu (bà Phương đã đăng ký bán toàn bộ 29.600 cổ phiếu QNP trong bối cảnh thị giá tăng cao). Phó Tổng giám đốc Trần Vũ Thanh Quang sở hữu 3.500 cổ phiếu, Kế toán trưởng Nguyễn Kim Toàn sở hữu 8.000 đơn vị và Phụ trách Quản trị công ty Hoàng Quốc Phương có 900 cổ phiếu.
Cảng Quy Nhơn là cảng lớn và trọng điểm tại miền Trung, thành lập từ 1976. Cảng nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngỏ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Ngyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT với tần suất bình thường và cỡ tàu đến 50.000 DWT giảm tải.
Doanh nghiệp đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận vào năm 2021 trong bối cảnh thuận lợi chung của toàn ngành. Năm 2022, lợi nhuận lao dốc về 44 tỷ đồng, giảm 87% so với 2021, một phần do trích lập khoản phải trả tranh chấp với Công ty Cửu Long.
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2023 vừa công bố, doanh thu năm qua tiếp tục giảm 12% xuống 939 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gấp 2,5 lên 112 tỷ đồng (nhờ không phải ghi nhận chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn như 2022).
Năm nay, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 33% lên 1.247 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 19% xuống 115 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2018 – 2021, công ty chi trả cổ tức tiền mặt từ 1.600 đồng/cp đến 2.000 đồng/cp mỗi năm, riêng 2022 giảm xuống 1.200 đồng/cp. Năm 2023, công ty dự định giữ nguyên mức cổ tức 1.200 đồng/cp nhưng năm 2024 sẽ tăng lên 1.700 đồng/cp.
Trước thềm cổ phiếu được giao dịch trên HoSE, doanh nghiệp nhận quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 14/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm, sơ thẩm về “tranh chấp hợn đồng cung ứng dịch vụ” giữa nguyên đơn Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long với bị đơn Cảng Quy Nhơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh.
Liên quan đến tranh chấp 2 bên, Cảng Quy Nhơn đã bị phán quyết phải trả gần 54 tỷ đồng cho Công ty Cửu Long, công ty đã trích lập dự phòng ngay trong năm 2022 và ghi nhận giảm lợi nhuận.
Xem thêm tại nhadautu.vn