Căng thẳng Biển Đỏ, cơ hội “bỏ giỏ” cổ phiếu cảng biển tốt
Cước tàu biển tăng mạnh
Vừa qua, tin tức thế giới nổi lên với các cuộc tấn công bởi nhóm vũ trang Houthi thuộc Yemen nhắm tới các tàu chở hàng thuộc khu vực Biển Đỏ đã làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực này.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), những ngày đầu năm 2024, hàng loạt hãng tàu đã thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, châu Âu (EU) và các nước. Các hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đều thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Nguyên nhân do căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến khoảng 80% lượng hàng đi bờ đông nước Mỹ, Canada và EU đi qua kênh đào Suez phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để tránh bị tấn công, dẫn tới hành trình mất thêm 7-10 ngày.
Theo ông Hòe, hiện cước đi bờ Tây Mỹ trong tháng 1/2024 tăng lên 2.873 - 2.950 USD (tăng thêm 55-60%) so với tháng trước đó. Cước đi Bờ đông Mỹ tăng nhiều hơn, từ 2.600 USD lên 4.100 - 4.500 USD (tăng thêm 58-73%). Riêng cước đi EU, cước vận chuyển đi Hamburg (Đức) đã tăng khoảng 3,5 lần, từ 1.200 - 1.300 USD lên 4.350 USD - 4.450 USD.
Hiện cước tàu biển từ Việt Nam đi Mỹ tăng hơn 100% tức từ gần 2.000 lên 4.500 - 5.000 USD Mỹ/container; đi đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container. Đáng chú ý là hàng hóa từ Việt Nam đến thị trường EU tăng từ mức 600 lên 4.000 USD/container.
“Nước lên, thuyền lên”
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tại kênh đào Suez, cũng như lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ đẩy giá vận tải tăng là rủi ro mang tính dài hạn, khó lường. Trước mắt, nhóm ngành liên quan đến vận tải/logistics sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này khi cước tàu biển bật tăng mạnh.
Tại thị trường Việt Nam, trong báo cáo phân tích triển vọng ngành Cảng biển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá, ngành Cảng biển có nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá cước vận tải và giá cước thuê tàu có thể phục sau khi đi qua vùng đáy năm 2023. Những sự kiện liên quan câu chuyện Biển Đỏ đẩy cước tàu biển lên cao sẽ là trợ lực lớn cho ngành này tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Theo nhóm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), sản lượng hàng qua cảng biển Việt Nam vẫn diễn biến tích cực nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giữ được đà tăng dù khá chậm, động lực chính đến từ việc hồi phục tiêu dùng từ Mỹ và Trung Quốc. Đơn hàng đã ký kết thì phải xuất khẩu hàng hóa, không thể dừng trong khi cước tàu biển vẫn đang tăng theo từng ngày.
Vốn FDI cũng đang trên đà tăng trở lại, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại, ký kết các văn bản hợp tác song phương với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng lớn hơn của giao thương quốc tế trong thời gian tới.
Hơn nữa với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong việc giải ngân đầu tư công, củng cố hệ thống cảng các khu vực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cảng sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều đối tác cũng như tối ưu hóa năng lực hoạt động doanh nghiệp.
Dự báo về triển vọng nhóm cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh và ổn định trong thời gian tới nhờ dự thảo đề xuất tăng giá dịch vụ xếp dỡ container từ 1/1/2024.
Đồng thời, YSVN cũng đánh giá tích cực đối với cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhờ việc hưởng lợi từ việc giá cước vận tải tăng mạnh. Hiện tại, CTCP Vận Tải và Xếp dỡ Hải An sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến nhận thêm 4 tàu container mới cỡ 1.800 Teu trong giai đoạn 2023 – 2024, nâng tổng sức chở đội tàu lên 23.000 Teu vào cuối năm 2024.
“Đây sẽ là lợi thế để Xếp dỡ Hải An gia tăng thị phần, mở rộng tệp khách hàng khi thị trường sôi động trở lại”, YSVN đánh giá.
Xét về xu hướng kỹ thuật, trong các cổ phiếu cảng biển, HAH là cổ phiếu khỏe nhất khi vẫn đang nằm trên các đường MA và giữ được nền giá. Hiện tại, HAH đang tích lũy trong mẫu hình chữ nhật, cần chờ đợi giá phá vỡ kháng cự kèm thanh khoản để xác nhận xu hướng tăng của cổ phiếu.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn