Cảnh báo rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết

Vụ Phát triển thị trường chứng khoán - UBCKNN vừa công bố loạt quy định về hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý đối với nhà đầu tư. Vụ Phát triển thị trường chứng khoán nhấn mạnh quy định về hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong trường hợp cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu hết các TTCK phát triển trên thế giới đều có các tiêu chí rà soát để hủy niêm yết đối với các doanh nghiệp yếu kém, không còn đáp ứng đủ điều kiện duy trì niêm yết. Tại TTCK Hàn Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản, ngoài việc các doanh nghiệp bị hủy niêm yết do giải thể, phá sản, còn có các tiêu chí bị hủy niêm yết liên quan tới: doanh thu, vốn hóa thị trường, ý kiến của đơn vị kiểm toán, khối lượng giao dịch, vi phạm về CBTT, vi phạm về QTCT… Cơ quan quản lý khẳng định chỉ có những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên TTCK Việt Nam.

Việc nắm vững những quy định liên quan đến hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Hiện, các trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng (CTĐC) sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc được quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP).

Đồng thời, nhằm mục đích giúp cảnh báo sớm cho các nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu, Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV của Hội đồng thành viên SGDCK Việt Nam đã đưa ra các quy định về các trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, đình chỉ giao dịch. Các quyết định này được CBTT rộng rãi trên toàn thị trường, do đó nhà đầu tư hoàn toàn có thể nắm được thông tin về những cổ phiếu nào có khả năng tiềm ẩn bị hủy niêm yết trong tương lai.

Cơ quan quản lý lưu ý nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý khi tham gia vào TTCK để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc.

Thứ nhất, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, hiểu biết về TTCK, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của DNNY.

Thứ hai, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của DNNY, cần xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…), đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty (QTCT) của doanh nghiệp;.

Thứ ba, nhà đầu tư cũng cần chú ý liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, BCTC của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn.

Gần nhất, sàn HoSE ghi nhận 2 trường hợp cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc. Trong đó, hơn 347 triệu cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nhận quyết định bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE từ ngày 6/9 do tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng bị hủy niêm yết từ ngày 6/9 do lỗ kiểm toán 3 năm liên tiếp trong giai đoạn 2021-2023.

Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc vẫn có thể giao dịch trên thị trường UPCoM. Biên độ giao dịch của thị trường này (15%) cao hơn gấp đôi HoSE (7%). Những mã này cần giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM, trước khi đăng ký niêm yết lại trên Sở giao dịch nếu đáp ứng các điều kiện.


Xem thêm tại cafef.vn