VN-Index phát tín hiệu về một đợt hồi phục
Tâm lý thận trọng bao trùm những phiên đầu tiên của tháng 12. Thông tin về tỷ giá và chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh (DXY) tiếp tục leo đỉnh, cùng với diễn biến bán ròng trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường thiếu hụt lực cầu hỗ trợ.
VN-Index điều chỉnh từ vùng kháng cự 1.260 điểm trong 3 phiên đầu tuần qua, tuy nhiên, nhóm chứng khoán bất ngờ nổi sóng khi bước qua phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhờ sự tham gia của khối ngoại và các thông tin hành lang tích cực liên quan đến khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam vào quý đầu năm tới.
Dòng tiền lan tỏa mạnh hơn, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn, đã giúp thị trường bùng nổ cả về thanh khoản và giá. VN-Index ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 8/2024. Thanh khoản cũng đạt hơn 21.000 tỷ đồng, cao nhất trong 2 tháng gần nhất.
Bên cạnh đó, giao dịch của các nhóm nhà đầu tư cũng có diễn biến đáng chú ý. Khối ngoại và tự doanh đã có động thái mua ròng mạnh trở lại sau 3 phiên bán ròng rải rác và tập trung vào các nhóm cổ phiếu lớn như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.
Điều này đã hỗ trợ cho tâm lý của khá nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Nhờ đó, sắc xanh vẫn được duy trì tích cực đến hết phiên giao dịch cuối tuần. VN-Index kết phiên cuối tuần tăng nhẹ 2,61 điểm và dừng tại mốc 1.270 điểm.
Với trạng thái kỹ thuật cải thiện, VN-Index bứt phá vùng cản 1.260 điểm một cách dứt khoát, kèm sự gia tăng mạnh mẽ của thanh khoản đã phát tín hiệu về khả năng tiếp nối đà hồi phục về vùng đỉnh lịch sử 1.290 - 1.300 điểm.
Đồng thời, vùng cản 1.240 - 1.260 điểm sẽ trở thành một vùng hỗ trợ tốt cho nhịp điều chỉnh tới của thị trường. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội từ các nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường để giải ngân, hoặc gia tăng tỷ trọng tại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt hoặc thu hút dòng tiền.
Kỳ vọng thay đổi tích cực từ các luật mới
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng, tạo nền tảng pháp lý mới hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp và các ngành nghề; đồng thời, tháo gỡ nhiều hạn chế trong hệ thống luật pháp hiện hành. Nổi bật trong số đó là Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Chứng khoán (sửa đổi).
VN-Index đang hướng lên vùng kháng cự 1.300 điểm |
Luật Điện lực sửa đổi mang đến những quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, các điều khoản mới hướng ngành điện đến việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc điều chỉnh chính sách thuế, tạo động lực cho các ngành công nghiệp tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Luật Chứng khoán sửa đổi cũng tạo cơ sở pháp lý để triển khai các quy định giao dịch mới, cải thiện tính minh bạch của thị trường và đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Luật Chứng khoán giúp tăng cường tính minh bạch và chuẩn hóa giao dịch, tạo lợi thế cho các công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, HCM và VCI. Các quy định về prefunding hay các phương thức giao dịch được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn cũng như tạo điều kiện tốt hơn để dòng tiền khối ngoại tham gia.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM) sẽ được giảm giá thành nhờ khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giúp cạnh tranh tốt hơn so với phân bón nhập khẩu.
Các luật mới không chỉ tháo gỡ những hạn chế pháp lý, mà còn mở ra cơ chế phát triển đặc thù cho từng lĩnh vực. Mặc dù hiệu quả chính sách cần thời gian để thể hiện rõ ràng, thị trường đã có những phản ứng tích cực, đặc biệt trong các ngành điện, chứng khoán và phân bón.