Cao su Việt Nam (GVR): Đặt mục tiêu doanh thu gần 25.000 tỷ đồng, kỳ vọng giá mủ cao su phục hồi
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR) hiện đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức gần 25.000 tỷ đồng. Hiện một số tổ chức tài chính kỳ vọng giá mủ cao su sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong thời gian tới.
Giá mủ cao su thiên nhiên được dự báo tiếp tục phục hồi, qua đó sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh năm nay của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác năm 2024 đạt 24.999 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, đều tăng hơn 2% so với mức ước thực hiện của năm 2023. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 3.437 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2023.
Cụ thể, đối với mảng cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 445.200 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn (đã bao gồm cả lượng thu mua từ bên ngoài); giá bán mủ bình quân dự kiến ở khoảng 34,6 triệu đồng/tấn; thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha.
Đối với mảng chế biến gỗ, sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng ở mức 1,2 triệu m3.
Đối với mảng kinh doanh khu công nghiệp, tập đoàn này đặt mục tiêu cho thuê mới 245 ha trong năm 2024, tương đương 468% mức ước thực hiện trong năm 2023.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, giá cao su thiên nhiên trên thế giới hiện đã tạo đáy và đang trên đà hồi phục. Điều này có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.
Ở thời điểm hiện tại, so với vùng đáy kéo dài từ quý 3/2022 - quý 2/2023, giá cao su thiên nhiên thế giới đã tăng khoảng 20% với động lực đến từ cả hai yếu tố: giảm cung và tăng cầu.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Về mặt nguồn cung, do lũ lụt và biên lợi nhuận thấp, tính đến cuối tháng 11/2023, nông dân Thái Lan đã cắt giảm sản lượng sản xuất khoảng 10% so với năm 2022. Thái Lan hiện chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra do biên lợi nhuận các mảng nông nghiệp khác như sầu riêng hay dừa được dự báo sẽ hấp dẫn hơn mảng cao su.
Trong khi đó, nhu cầu cao su trong năm 2024 được dự báo có thể tăng trưởng đáng kể, chủ yếu nhờ nhu cầu từ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số biện pháp kích thích kinh tế cho năm nay, bao gồm việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe ô tô. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng xăm lốp, kéo theo đó là giá cao su đi lên. Trung Quốc hiện là thị trường chiếm tới 98 - 99% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, việc giá dầu thô được dự báo neo cao trong năm 2024 sẽ thúc đẩy giá cao su tổng hợp; qua đó, củng cố đà phục hồi của giá cao su tự nhiên.
Xem thêm tại vnrubbergroup.com