Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sắp dứt cảnh cao tốc… cụt

Phối cảnh tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
Phối cảnh tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Sau gần 5 năm đưa vào vận hành khai thác, Bắc Giang - Lạng Sơn được biết đến là tuyến đường hy hữu nhất Việt Nam khi bị gắn cho biệt danh “cao tốc cụt”. Dù dự án mang tên là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nhưng thực chất tuyến đường chỉ mới được đầu tư xây dựng từ TP. Bắc Giang đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn).

Thông mạch cao tốc Hà Nội – cửa khẩu Hữu Nghị

Cụ thể, do vẫn còn cách TP. Lạng Sơn khoảng 30 km, nên các phương tiện sau khi bon bon hơn 64 km trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, lại phải “quẹo” ra Quốc lộ 1 để di chuyển lên thành phố và các cửa khẩu. Tuyến đường bị ngắt quãng đã làm giảm hiệu quả đầu tư của đoạn tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn bởi khó thu hút phương tiện.

Tuy nhiên, cảnh tượng “cao tốc cụt” này sẽ sớm chấm dứt bởi Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sắp được khởi công xây dựng trong ít ngày tới. Sau khi dự án hoàn thành sẽ thông mạch toàn bộ tuyến cao tốc kết nối từ Hà Nội lên TP. Lạng Sơn đến tận các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam.

Đặc biệt cùng với Dự án PPP Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành năm 2026), việc đầu tư xây dựng Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ kết nối đồng bộ toàn tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến lên Cao Bằng.

Ông Lương Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy hoạch Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn đầu tiên thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng là đoạn được triển khai xây dựng sau cùng.

“Khi tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ Lạng Sơn với Bắc Giang, Hà Nội, kết nối 3 cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị. Việc đầu tư dự án này sẽ giúp tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lưu thông hàng hóa và phục vụ xuất nhập khẩu”, ông Lương Ngọc Quỳnh cho biết.

Hiện nay, Lạng Sơn là địa phương có các cửa khẩu đường bộ kết nối với Trung Quốc lớn nhất cả nước. Theo ước tính, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đưa vào khai thác giúp các phương tiện rút ngắn quãng đường di chuyển, tiết giảm thời gian lưu thông qua đó giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.

Đột phá với mô hình PPP++

Trước đó, sau thời gian dài tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, ngày 11/4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà tư thực hiện Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen.

Đáng chú ý, trong danh sách liên danh nhà đầu tư được chọn để thực hiện Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng tiếp tục có sự xuất hiện của nhà đầu tư Đèo Cả đã tham gia “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Chỉ trong hơn 2 năm với sự tham gia điều hành của nhà đầu tư mới, toàn bộ hạng mục của Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành, đặc biệt là hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn cán đích trước 3 tháng theo kế hoạch ban đầu.

Ngoài Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Đèo Cả còn có kinh nghiệm giải cứu thành công một dự án khác cũng khó khăn, phức tạp không kém là Trung Lương - Mỹ Thuận. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, doanh nghiệp này còn sáng tạo áp dụng các giải pháp đột phá về huy động vốn để triển khai các dự án PPP hạ tầng giao thông ở hai dự án cao tốc quy mô lớn là Cam Lâm - Vĩnh Hảo với mô hình PPP+ và Đồng Đăng - Trà Lĩnh với mô hình cải tiến hơn là PPP ++.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, từ kinh nghiệm triển khai thành công ở cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhà đầu tư Đèo Cả sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++ tại Dự án BOT cửa khẩu cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Để hợp lực các doanh nghiệp khác cùng tham gia dự án, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 3 cấp độ kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau của nhà nhà đầu tư ở từng cấp, gồm: nhà đầu tư "kiên định" (tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án), nhà đầu tư "bắc cầu", nhà đầu tư "tiềm năng" (tham gia từ gia đoạn thực hiện dự án).

“Đây là mô hình nhằm đa dạng hoá nguồn huy động vốn, tối ưu tổ chức quản trị, gắn trách nhiệm nhà thầu với toàn bộ quá trình thực hiện dự án, mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả dự án”, ông Nguyễn Quang Vĩnh thông tin.

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài khoảng 43km được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17km được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m. Trong giai đoạn phân kỳ, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam được đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Xem thêm tại baodautu.vn