Cập nhật KQKD quý II/2024 ngày 25/7: Thêm ngân hàng VN30 báo lãi kỷ lục, Sabeco (SAB) báo lãi cao nhất 7 quý
Các doanh nghiệp công bố BCTC quý II/2024 ngày 25/7 |
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với lãi sau thuế kỷ lục đạt 1.397,8 tỷ đồng, tăng 83,3% so với cùng kỳ nhờ việc SeABank đã tối ưu hóa hiệu quả trong kinh doanh, tập trung vào công nghệ số và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.
Trong quý II, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) đạt 8.086 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm so với mức 8.312 tỷ của cùng kỳ năm trước (YoY). Tốc độ tăng chi phí giá vốn không thay đổi nhiều giúp công ty thu về 2.440 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp ở mức 30,2%.
Doanh thu tài chính quý II giảm 25% YoY còn 266,3 tỷ đồng; phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm mạnh 64% còn 27,9 tỷ.
Sau trừ thuế phí, Sabeco báo lãi 1.319 tỷ đồng trong quý II - tăng gần 110 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi quý cao nhất kể từ con số gần 1.400 tỷ đạt được hồi quý III/2022.
Theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Tập đoàn PAN (PAN), doanh thu hợp nhất đạt 3.380 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 20% và 14%.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II đạt 201 tỷ, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 85, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BCTC quý IV niên độ 2023-2024 (từ ngày 1/4-30/6/2024), doanh thu thuần của CTCP Mía Đường Sơn La (SLS) nhích nhẹ lên hơn 551,4 tỷ đồng. Kỳ này, các chi phí đồng loạt giảm, trong đó gần như không tốn chi phí quản lý. Kết quả, công ty lãi ròng gần 235 tỷ đồng và EPS 23.995 đồng, cùng tăng 5% so với cùng kỳ.
Khép lại niên độ 2023-2024, SLS có hơn 526 tỷ đồng lãi ròng, mức cao nhất từ trước đến nay, phá kỷ lục lập được niên độ trước.
Trong quý II, doanh nghiệp công nghệ FPT Online (FOC) ghi nhận lợi nhuận tăng 8% đạt 33,5 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Trường Thành (TTA) ghi nhận doanh thu quý II/2024 tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 193,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63,7 tỷ đồng, tăng 114,21% so với cùng kỳ năm 2023.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu TTA đạt 338 tỷ đồng (tăng 10,3% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 99,1 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
Ngược chiều, quý II/2024, CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) tiếp tục chứng kiến lợi nhuận đi lùi, cũng là quý thứ 5 liên tiếp ghi nhận lãi giảm so với cùng kỳ.
Lý giải về lợi nhuận lao dốc, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc cho biết trong quý II, do doanh thu giảm 16,3% và công ty tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ thêm cho anh em lái xe và đối tác, vì vậy dẫn tới lợi nhuận giảm 57,8%.
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với ghi nhận lỗ 137 tỷ đồng, giảm lỗ 213 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu vì tình hình sản xuất không thuận lợi do thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt là xảy ra sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của công ty dẫn đến dây chuyền sản xuất phải ngừng đột xuấn làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Một doanh nghiệp khác cũng báo lỗ nặng là CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS) khi tăng lỗ từ 68 tỷ lên 153,6 tỷ đồng. Theo giải trình, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động của thị trường tài chính toàn cầu khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh. Dẫn đến Đồng Việt Nam giảm giá khoảng 5% so với USD. Vì vậy khiến chi phí chênh lệch tỷ giá hối đoái lên đến 110 tỷ đồng.
Cùng với đó, do đội tàu của công ty được đầu tư vào thời điểm thị trường vận tải biển đang phát triển nên giá đầu tư tàu cao dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn