Cập nhật lợi nhuận ngân hàng quý 1: Nhiều ông lớn báo lãi sụt giảm, một nhà băng tăng 85%
LPBank báo lãi tăng 85%
Theo báo cáo tài chính mới được LPBank công bố, lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ, hoàn thành 27,49% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận LPBank bứt tốc nhờ lãi thuần từ mảng dịch vụ cao đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2023. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần cũng tăng mạnh đi cùng việc kiểm soát chi phí hoạt động hợp lý cũng là những yếu tố giúp lợi nhuận LPBank tăng trưởng mạnh.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của LPBank đạt gần 409.764 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng hơn 11,7% lên gần 307.687 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,39%. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 261.994 tỷ đồng, tăng gần 10,4%.
Lợi nhuận Bac A Bank nhích nhẹ
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - Mã: BAB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 338,6 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng là 270,9 tỷ đồng, tăng 0,7%.
Trong quý đầu năm, động lực tăng trưởng của Bac A Bank đến từ thu nhập nhập lãi thuần, các mảng kinh doanh khác của Bac A Bank đều đi xuống so với cùng kỳ.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của Bac A Bank đạt 149.353 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cuối năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng 0,7% lên 100.543 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại Bac A Bank cũng giảm 0,3% xuống 118.125 tỷ đồng.
Trong quý 1, số dư nợ xấu của Bac A Bank đã tăng thêm 22,1% lên 1.118 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,11%, so với 0,92% vào cuối năm ngoái.
Lợi nhuận PGBank giảm 24%
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank – PGB) cũng mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2024. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế là 93 tỷ đồng, giảm 24%.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận PGBank sụt giảm đến từ các nguồn thu phi tín dụng thu hẹp và sự gia tăng của chi phí hoạt động..
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản PGBank là 58.764 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu cuối quý 1 là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93%.
Lợi nhuận SeABank tăng 41%
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã: SSB) vừa qua cũng đã công kết quả kinh doanh quý 1/2024 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; Tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/3/2024, tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỷ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023 và vốn điều lệ Ngân hàng ở mức 24.957 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, tổng Huy động từ tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi của SeABank đạt 168.605 tỷ đồng, tăng thêm 6.919 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với cùng kỳ và tổng Dư nợ cho vay khách hàng đạt 181.238 tỷ đồng, tăng ròng 1.487 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,95%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 86,84%.
Lợi nhuận quý 1 của MB giảm 11%
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng nay (19/4), ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ công bố báo cáo tài chính.
Ông cũng thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh của MB, ngân hàng ước tính doanh thu tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ, lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng. Doanh thu Ngân hàng mẹ đạt 9.782 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.258 tỷ đồng. Doanh thu các công ty thành viên đạt 5.218 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 550 tỷ đồng.
Quý 1/2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận quý 1/2024 khả năng tăng trưởng âm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận ACB đạt 4.900 tỷ, giảm nhẹ so với quý 1/2023
Tại đại hội ngày 4/4, Tổng Giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cho biết lợi nhuận quý 1 dự kiến đạt 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2023). Kết quả này giảm nhẹ so với cùng kỳ, nguyên nhân, theo ông Phát, do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý I/2023, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nếu loại trừ lợi nhuận cốt lõi vẫn tăng 3%.
VIB ghi nhận lợi nhuận 2.600 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023
Tại ĐHCĐ ngày 2/4, Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khắc Vỹ cho hay, trong quý I/2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý cùng kỳ của 2023, nhưng so với kế hoạch 12.000 tỷ đồng đưa ra năm nay, lãnh đạo VIB cho biết, hoàn toàn khả thi.
Ông cũng tiết lộ rằng trong quý đầu năm, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ tết và các hoạt động banca giảm sút, nên toàn thị trường giảm sút nhiều.
Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Hồ Vân Long cũng cho biết do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu đang tăng 2,2 lên 2,4%. Ngân hàng sẽ cố gắng đưa nợ xấu dưới 2% vào cuối năm.
Tuy nhiên, ông Long nói rằng trong 3 tháng đầu năm VIB đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
OCB lãi 1.000 – 1.200 tỷ trong quý I
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, lãi trước thuế của ngân hàng trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tín dụng tăng 4,6%.
Xem thêm tại cafef.vn