Cập nhật: Thêm KBC, TVC, C4G, VCS, TNG, PVS, PLX, TVN công bố BCTC quý I/2024
Thêm loạt doanh nghiệp cập nhật thông tin, công bố BCTC quý I/2024 dù hiện tại đã là ngày 2/5/2024.
Kinh Bắc City (KBC) ghi nhận doanh thu “bốc hơi” 93% xuống còn vỏn vẹn 152 tỷ đồng do không còn doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng. Cấn trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ hơn 76 tỷ đồng, trong khi quý I năm ngoái vẫn lãi sau thuế 1.053 tỷ đồng.
CTCP Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) gây bất ngờ với doanh thu gấp 5 lần cùng kỳ, lên 90 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng đạt mức tăng trưởng gần gấp đôi, lên 159 tỷ đồng. Tuy vậy, cơ cấu doanh thu của TVC, có đến gần 85 tỷ đồng là thu lãi từ các tài sản tài chính FVTPL, còn hoạt động cốt lõi như môi giới, lưu ký chứng khoán… chỉ đạt khoảng 5 tỷ đồng doanh thu.
Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh quý I vừa qua của TVC là việc đầu tư vào các cổ phiếu FPT, MWG, HPG, SSI với tổng giá trị gần 894 tỷ đồng; trong số này, chủ yếu còn mỗi cổ phiếu HPG là phải trích lập dự phòng hơn 16 tỷ đồng, còn lại phần lớn có lãi. Doanh thu tài chính trong quý đạt hơn 66 tỷ đồng chủ yếu từ thu lãi mua bán chứng khoán kinh doanh. Trong khi đó trong kỳ doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư hơn 53 tỷ đồng.
Cienco 4 (C4G) không có nhiều đột biến về kết quả kinh doanh khi doanh thu tăng 10,25 lên 507 tỷ đồng nhưng lãi gần như đi ngang, đạt 41 tỷ đồng.
CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS) công bố BCTC quý I/2024 với doanh thu tăng 4% lên 1.074 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 7,7% lên mức 205 tỷ đồng. Trong kỳ, các chỉ tiêu tài chính gần như không có nhiều biến động.
Đáng chú ý nhất là việc Vicostone duy trì khoản tiền và tương đương tiền lớn, đến 1.590 tỷ đồng, trong đó có 442 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và 1.141 tỷ đồng tương đương tiền. Dư nợ vay tài chính ngắn hạn 976 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 26 tỷ đồng – tương ứng tổng dư nợ vay tài chính ngắn và dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) công bố doanh thu quý I/2024 gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 3.710 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí vốn giảm, kèm theo chi phí tài chính giảm sâu khiến lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 34% lên 305 tỷ đồng.
Chi phí tài chính giảm mạnh chủ yếu do giảm tác độ lỗ tỷ giá. Đồng thời, trong quý I vừa qua Tổng Công ty hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư hơn 13 tỷ đồng.
Hóa dầu Petrolimex (PLX) ghi nhận doanh thu quý I giảm sút 18,8% xuống còn 1.599 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu hơn, đến 54% về mức 15 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm sâu, ngoài giảm doanh thu, còn do chi phí vốn tăng cao, doanh thu tài chính giảm.
Tổng công ty thép Việt Nam VNSteel (TVN) ghi nhận doanh thu quý I giảm 10% xuống còn 7.513 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 32,5% về mức 46 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm, ngoài giảm doanh thu, giảm doanh thu tài chính, còn do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh trong khi chi phí tài chính giảm sâu.
Dệt may TNG (TNG) không có đột biến về kết quả kinh doanh trong quý I, ghi nhận doanh thu đạt 1.354 tỷ đồng, tăng 1,42% so với cùng kỳ và lãi sau thuế gần 42 tỷ đồng, giảm 4,13%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn