CASA hồi phục nhanh

Bật tăng từ cuối năm 2023

Nếu như nửa cuối năm 2022, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao khiến CASA toàn thị trường sụt giảm thì kể từ quý III/2023, các ngân hàng có thuận lợi kép để cải thiện chi phí vốn. Cụ thể, từ nửa cuối 2023, lãi suất giảm đã thu hẹp chênh lệch mức sinh lời giữa tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi không kỳ hạn, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chi phí vốn trở nên “dễ thở” hơn. Khối lượng tiền chờ tham gia vào các hoạt động kinh tế tăng lên khiến số dư CASA toàn ngành ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2023 tăng khoảng 25% so với cuối năm 2022 (theo báo cáo tài chính năm 2023 của các ngân hàng niêm yết).

Tại Techcombank, tỷ lệ CASA tại thời điểm cuối quý I/2024 đạt 40,5%, cải thiện so với mức 39,9% vào cuối quý IV/2023.

Từng soán ngôi đầu của Techcombank vào cuối năm 2023 với tỷ lệ 40,1%, MB đã lùi xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA toàn ngành quý I, với 36,6%.

Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp MB thu hút được hơn 6 triệu khách hàng mới. Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của ngân hàng này luôn duy trì ở mức cao, đạt đến 97%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021-2023). Theo MB, chiến lược đầu tư công nghệ dài hạn đã giúp MB liên tục mở rộng không gian tăng trưởng và phục vụ quy mô khách hàng lớn. App MBBank là nền tảng ngân hàng dành cho khách hàng cá nhân được tải xuống nhiều nhất App Store Việt Nam trong 3 năm qua, hiện sở hữu 22,4 triệu người dùng.

Năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 3,6 tỷ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24,4%.

“Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho ngân hàng”, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho hay.

Đứng vị trí số 3 về tỷ lệ CASA là Vietcombank với tỷ lệ 35,2% vào cuối năm 2023.

Vị trí thứ 4 về tỷ lệ CASA thuộc về MSB. Theo ước tính của MSB, tỷ lệ CASA của Ngân hàng vào cuối quý I/2024 đạt 29%. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ CASA của MSB luôn thuộc nhóm cao nhất ngành. Năm 2023, MSB đứng thứ 4 thị trường với kết quả 26,54%, tương đương hơn 35.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Tỷ trọng CASA đến từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - tệp khách hàng chiến lược của MSB, lần lượt đạt mức tăng 27,7% và 29,2% so với năm 2022.

CASA cũng trở thành một trong những điểm sáng trong hoạt động huy động vốn của VPBank năm 2023, với mức tăng 33% so với cuối năm 2022, giúp nâng cao tỷ lệ CASA trong cơ cấu vốn huy động lên 17,6%.

Tiền nằm chờ kênh đầu tư

Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác, do đó sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiết kiệm và tăng CASA.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM

Nhận định về việc CASA có xu hướng hồi phục, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, do lãi suất ở vùng thấp kỷ lục, người dân không có động cơ gửi tiết kiệm nhiều mà giữ tiền trong tài khoản thanh toán, chờ cơ hội chuyển sang những kênh đầu tư khác, tuy nhiên cơ hội đó không có nhiều trong năm qua. Dù dòng tiền vẫn đang chờ để chuyển kênh nhưng rõ ràng, tiền gửi ngân hàng vẫn tăng kỷ lục (đạt 14 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2023, theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước), nên CASA cũng tăng theo tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu sản xuất - kinh doanh khi nhu cầu thị trường yếu, họ cũng gửi tiền vào ngân hàng. Nhìn chung, các động thái này đều dẫn đến việc người dân gửi tiết kiệm và giữ tiền tại ngân hàng nhiều hơn so với giai đoạn trước, với con số tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục 14 triệu tỷ đồng trong năm qua.

“Dù hiện nay người dân có thể đã bắt đầu tích lũy trở lại, tiền tiết kiệm có dấu hiệu chuyển hướng sang kênh đầu tư phù hợp, nhưng chưa hình thành nên xu hướng tiết kiệm hay đầu tư. Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác, do đó sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiết kiệm và tăng CASA”, ông Huân nhấn mạnh.

Tăng tỷ lệ CASA là một trong các mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các nhà băng những năm gần đây. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức từ thị trường. Cũng bởi vậy, cuộc đua tăng CASA ngày càng khốc liệt, đặc biệt là khi hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã miễn phí dịch vụ ngân hàng số.

Cuộc đua này vẫn được dẫn xướng bởi 2 ứng viên tiềm năng nhất là MB và Techcombank. Khi xét tới khả năng thu hút CASA trong bối cảnh kinh tế bớt khó khăn và thanh khoản thị trường dồi dào trở lại, Techcombank đang nổi lên với tỷ lệ CASA đạt trên 40%.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Techcombank, ngân hàng này tập trung vào 3 nhu cầu quan trọng của khách hàng là giao dịch, vay vốn và đầu tư. Khi khách hàng hài lòng, tin tưởng sử dụng các dịch vụ thanh toán, sản phẩm tín dụng và đầu tư tại Techcombank, tài khoản giao dịch tại ngân hàng này sẽ trở thành tài khoản giao dịch chính và tiền sẽ thường xuyên xoay vòng qua đây. Tiền đứng yên là tiền gửi có kỳ hạn, còn tiền xoay vòng liên tục chính là CASA.

Cùng với đó, Techcombank cũng đi đầu trong số hóa nhằm mang lại trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ vượt trội - một yếu tố then chốt thúc đẩy CASA. Tính năng sinh lời tự động (auto earning) trên ứng dụng ngân hàng điện tử Techcombank Mobile triển khai trong tháng 1/2024 được xem là là trợ thủ đắc lực cho Techcombank gia tăng gắn kết khách hàng, gián tiếp cải thiện số dư CASA.

Trong xu hướng phục hồi của CASA toàn hệ thống, MSB đặt mục tiêu tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường về chỉ số này, thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm, dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA giai đoạn 2023 - 2027 trong khoảng 35 - 40%.

Nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng CASA trong năm 2024, xem đây là động lực cải thiện chi phí vốn. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, CASA của Ngân hàng đã tăng trưởng vượt bậc vào cuối năm ngoái, đạt 22% và tiếp tục tăng trong quý đầu năm nay. ACB đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng CASA để thuộc tốp 5 thị trường và việc mặt bằng lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp trong năm 2024 sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu này.

HDBank đặt mục tiêu tỷ lệ CASA trong năm 2024 đạt tối thiểu 16%, từ mức 11% của năm 2023. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực lên chi phí vốn của ngân hàng này.

Tại VPBank, phân khúc khách hàng cá nhân trong vai trò đầu tàu, có đóng góp quan trọng vào số dư CASA đạt con số 47.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trên nền tảng CASA từ mảng khách hàng cá nhân tăng trưởng gấp đôi trong năm 2023, đóng góp hơn một nửa quy mô CASA toàn ngân hàng, lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank đặt mục tiêu nhân đôi con số này trong năm 2024.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn