Trước bối cảnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng, nhưng chưa cao, trong khi các kênh đầu tư (vàng, chứng khoán, bất động sản) được cho đang có triển vọng nên nhiều nhà đầu tư chỉ gửi tạm tiền nhàn rỗi ở nhà băng để nắm bắt khi cơ hội đến. Đó cũng là lý do đẩy lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trong quý III/2024.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay đạt 22.800 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động đạt 37.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,5% và 28,9% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu về tỷ lệ CASA đạt 40,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.000 tỷ đồng.
Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của huy động tiền gửi từ khách hàng là do ngay từ tháng 1/2024, Ngân hàng đã ra mắt tính năng “kỷ nguyên sinh lời tự động”, đã thu hút sự quan tâm và sinh lợi tốt nhất cho khách hàng... Tính chung tiền gửi của khách hàng tại Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay đạt 495,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21,0% so với cùng kỳ năm trước.
Về CASA, ACB cho hay, đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút tiền gửi thông qua gia tăng tiện ích cho khách hàng như triển khai chiến dịch "Đồng minh thông thái"- cung cấp giải pháp, tiện ích quản lý cửa hàng cho các hộ kinh doanh; nâng cấp các dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm khách hàng ưu tiên. Nhờ đó, CASA của ACB trong 9 tháng đầu năm nay đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là một trong những ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao nhất thị trường ở mức 22,2%.
Tính đến 30/9, tín dụng của ACB đạt 555 nghìn tỷ đồng, huy động đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13,8% và 6,1% so với đầu năm. Đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua. Điều này cũng cho thấy, ACB tiếp tục giữ vững ưu thế trong mảng bán lẻ và thực hiện chiến lược tăng trưởng cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp khá tốt khi ghi nhận lũy kế tín dụng mảng doanh nghiệp trong 9 tháng qua có tốc độ hơn 15%.
Lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng đầu năm là 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả.
Tính đến hết ngày 30/9, tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế của SeABank đạt gần 178,666 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2023. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng đạt 20,677 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2023 và chiếm 13,46% huy động từ tiền gửi của khách hàng.
Cùng với việc phát triển mạnh CASA, SeABank cũng nỗ lực trong việc duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng đạt 4.508 tỷ đồng, tăng ròng 1.352 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Với OCB, sau 9 tháng kinh doanh, Ngân hàng ghi nhận thu thuần từ dịch vụ tăng dần qua các quý, đặc biệt trong quý III/2024 tăng 32,4% lên mức 199 tỷ đồng nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Đây là chiến lược luôn được ngân hàng đặc biệt ưu tiên nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Cụ thể, chỉ sau 4 tháng ra mắt ứng dụng OCB OMNI thế hệ mới, tính đến 30/9/2024, số lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 71% so với cùng kỳ, CASA tăng 26% và tiền gửi có kỳ hạn (eSaving) tăng 37%.
Trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây thì tỷ lệ CASA là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Bởi thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ ở quanh mức 0,2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ NIM, có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Những ngân hàng có CASA tốt, chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt sẽ giữ được nền lãi vay tốt, ngược lại những ngân hàng nào có nợ xấu lớn, CASA nhỏ sẽ có nguy cơ tăng lãi suất cho vay, cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của chính mình. Ngân hàng nào có lượng CASA lớn cũng có lợi thế hơn, giúp điều hòa được chi phí vốn. Do đó, các chuyên gia dự báo cuộc đua hút CASA trong thời gian tới ngày càng gay gắt hơn và không hề dễ dàng cho bất cứ một ngân hàng nào.