Cầu bất ngờ phục hồi mạnh trong nhóm blue-chips, VN-Index vẫn không thể đổi màu
Phiên chiều đáo hạn phái sinh chứng kiến dòng tiền mua bất ngờ mạnh lên đáng kể trong rổ VN30 – chỉ số cơ sở cho các hợp đồng tương lai. Trong khi các nhóm cổ phiếu khác trên HoSE đều giảm thanh khoản so với hôm qua thì riêng VN30 lại tăng. Tuy nhiên các trụ của VN30-Index lại không giống với VN-Index, nên chỉ số này đóng cửa tăng 0,26%, trong khi VN-Index vẫn chưa thể vượt tham chiếu.
Nếu nhìn từ góc độ một phiên đáo hạn và VN30-Index quan trọng hơn VN-Index thì việc các mã trụ của VN-Index không phát huy tác dụng là bình thường. HPG tăng 2,92%, VPB tăng 1,69%, FPT tăng 2,29%, MWG tăng 1,24%, VJC tăng 1,14% là 5 cổ phiếu trụ kéo mạnh nhất cho VN30-Index, cộng thêm khoảng 7,3 điểm trong khi tổng mức tăng chỉ là 3,07 điểm, nghĩa là phải san sẻ gánh đỡ cho rất nhiều cổ phiếu khác giảm trong rổ. Cũng 5 mã này chỉ cộng cho VN-Index gần 2,7 điểm.
Ở phía giảm, các mã tác động lên VN30-Index cũng khác so với VN-Index. TCB giảm 1,24%, VHM giảm 1,37%, MSN giảm 1,61% là 3 cổ phiếu kéo lùi VN30-Index nhiều nhất. Trong khi đó với VN-Index, VCB giảm 1,41% lại là cổ phiếu ảnh hưởng nhất.
Điểm đáng chú ý là chiều nay rổ VN30 giao dịch khá mạnh, thanh khoản đạt 3.626 tỷ đồng, tăng tới 47% so với phiên sáng và là phiên chiều sôi động nhất kể từ đầu tuần. Độ rộng cải thiện đáng kể với 13 mã tăng/13 mã giảm, tốt hơn nhiều so với 4 mã tăng/24 mã giảm buổi sáng. HPG là trụ giao dịch ấn tượng nhất trong nhóm này, khi bật tăng tới 2,73% so với giá chốt phiên sáng. HPG buổi sáng nhạt nhòa, mới tăng 0,18% so với tham chiếu nhưng ngay khi bước vào phiên chiều đã có cầu cực khỏe. Liên tiếp hai nhịp tăng mạnh đến tận phút cuối đẩy HPG vượt lên trên đỉnh cao đầu tháng 7. Khoảng 680 tỷ đồng đổ vào HPG chiều nay, chiếm 18,8% tổng khớp của cả rổ buổi chiều và đưa HPG từ vị trí thanh khoản thứ 6 buổi sáng lên thứ nhất toàn phiên.
Một vài cổ phiếu khác cũng có biến động rất tích cực: VPB cuối phiên sáng còn đang giảm 0,24%, từ khoảng 2h trở đi cũng bứt phá mạnh và tăng tiếp cao hơn trong đợt ATC. Chốt phiên VPB tăng 1,69% so với tham chiếu, tức là tăng tới 1,94% riêng trong chiều nay. Một mã ngân hàng khác là TPB, chiều nay cũng đảo chiều thành công khi tăng 1,62% so với phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 0,53%. Cặp đôi bất động sản NVL và PDR cũng đảo chiều tốt, tăng tương ứng 1,02% và 4,01% so với giá phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 0,68% và 3,46%.
Với giao dịch mạnh chiều nay, tổng thanh khoản rổ VN30 cả ngày đạt 6.092 tỷ đồng, tăng trên 19% so với hôm qua và chiếm xấp xỉ 40% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Trong khi đó thanh khoản của sàn này giảm nhẹ so với phiên trước, Midcap giảm 10%, Smallcap giảm 5%.
Mặc dù không có dòng tiền tăng mạnh như với rổ blue-chips, nhưng phần còn lại của thị trường vẫn tích cực. Độ rộng cải thiện rất rõ, với 252 mã tăng/201 mã giảm trong khi cuối phiên sáng vẫn đang là 130 mã tăng/278 mã giảm. Số rất lớn cổ phiếu đã phục hồi đủ mạnh để vượt qua tham chiếu là một kết quả ấn tượng vì phiên sáng dòng tiền mua đẩy giá rất kém, thậm chí là thụ động chờ giá.
Những mã giao dịch nổi bật cả về giá lẫn thanh khoản có thể kể tới là DGC tăng 2,68% với 372,2 tỷ đồng; MSB tăng 2,72% với 292,5 tỷ; VIX tăng 3,44% với 283,9 tỷ; DGW tăng 4,15% với 201,4 tỷ; KSB tăng 3,39% với 154,7 tỷ; HDC tăng 6,71% với 104,2 tỷ. Nhóm VPG, HTN, ABS, HAR kịch trần với thanh khoản cũng rất tốt, từ 20 tỷ tới 70 tỷ đồng.
Phía giảm nhìn chung không có nhiều cổ phiếu giao dịch đáng chú ý, biên độ tổng thể cũng khá nhẹ. Dù có 201 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu nhưng HoSE cũng mới có 57 mã giảm trên 1%. Số ít thanh khoản lớn như SKG, EIB, ORS, VSC, SSI, STB, MSN, VCB, VHM, HCM, TCB…
Chiều nay khối ngoại quay lại ủng hộ thị trường đáng chú ý với mức giải ngân tới 1.006,7 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra 824,1 tỷ. Do đó vị thế giao dịch đảo ngược thành mua ròng 182,6 tỷ đồng, bù trừ đáng kể với mức bán ròng 232,3 tỷ đồng buổi sáng. Trừ MSB bị bán ròng lớn từ sáng, khối này xả thêm MSN -61,9 tỷ; STB -52,6 tỷ; DBC -40,1 tỷ; CTG -32,5 tỷ; TPB -30,9 tỷ; POW -27,8 tỷ; SSI -27,7 tỷ; VCB -24,9 tỷ. Phía mua ròng có VNM +87,7 tỷ; HPG +68,9 tỷ; VHM +47,9 tỷ; VPB +47,3 tỷ; HDB +25,4 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn