“Cậu cả” nhà VinGroup lần đầu lộ diện trong năm 2023, nhìn lại công cuộc chuyển giao thế hệ của các gia tộc Việt
Thế hệ F1 nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng - ông Phạm Nhật Quân Anh - gần đây xuất hiện trong một sự kiện của VinFast gây chú ý lớn. Đây cũng là lần đầu tiên 1 trong 3 người con của ông Vượng lộ diện trước truyền thông và tham gia ký kết với đối tác Nhật.
Lần hiếm hoi duy nhất vào năm 2019, tham gia chia sẻ câu chuyện dạy con trên báo Tuổi trẻ, "cậu cả" từng được ông Vượng đưa đến gặp cùng trong buổi phỏng vấn. Sự kiện lần này của ông Phạm Nhật Quân Anh cho thấy kế hoạch chuyển giao dần tại VinGroup, tiếp nối làn sóng chuyển giao thế hệ đã và đang rất sôi nổi tại Việt Nam.
Cuối năm 2020, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - chính thức chuyển giao chức vụ Tổng Giám đốc cho con trai thứ là Lê Viết Hiếu. Với độ tuổi của ông Viết Hiếu bấy giờ chưa tròn 30, sự kiện này của HBC gây nhiều ý kiến trái chiều. Do loạt biến cố thượng tầng sau đó, hiện, ông Hiếu đã rời ghế Tổng Giám đốc và giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực tại HBC.
Tập đoàn REE cũng có buổi lễ chuyển giao thế hệ đầy cảm xúc trong năm 2020, cùng loạt gia tộc khác như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - đơn vị sở hữu các công ty chuyên phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp của nước ngoài – hiện mỗi thành viên của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn quản lý và điều hành một chi nhánh hay mảng riêng; Tập đoàn T&T của nhà bầu Hiển cũng dần đưa thế hệ F1 ra “chinh chiến”…
Thực tế tại Việt Nam, nhiều DN gia đình Việt sớm có các cuộc chuyển giao người lãnh đạo từ cha, mẹ (thế hệ F0) sang con (F1), thậm chí cháu (F2) đã dần xong xuôi. Việc các F1, F2 phát triển đưa các công ty gia đình được đánh giá là kịp thời, đặc biệt hậu Covid-19 với loạt thay đổi và cuộc cách mạng số.
Khảo sát mới nhất về doanh nghiệp gia đình 2023 của PwC (thực hiện với 2.043 chủ DN ở 82 vùng lãnh thổ, bao gồm 36 đại diện DN gia đình tại Việt Nam) cũng cho thấy việc chuyển giao là đúng đắn, khi các DN gia đình Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022. Trong đó, hơn 53% DN báo cáo sự tăng trưởng về doanh số, 36% DN cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.
Theo PwC, các thế hệ F2, F3 có một thuận lợi là được học hành bài bản, rất giỏi chuyên môn, cũng rất nhanh nhạy với những cái mới, chịu khó lăn lộn, kết nối thị trường, quyết liệt trong hành động… và cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ cha mẹ.
Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các lãnh đạo thế hệ F2 tỏ ra sẵn sàng hơn với tiêu chí ESG. Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) của PwC ghi nhận 68% NextGen Việt Nam tham gia khảo sát tin rằng họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và 45% nhìn thấy cơ hội để các DN tư nhân đi đầu trong các hoạt động bền vững. Ngoài ra, 77% mong muốn tham gia vào việc tăng cường tập trung đầu tư bền vững trong tương lai của DN, điều này phản ánh tham vọng ESG mạnh mẽ.
"Thế hệ kế nghiệp được coi là một trong những nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, và họ thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng câu chuyện ESG" , ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo dịch vụ DN tư nhân và gia đình, PwC Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh những câu chuyện thành công, thì vẫn còn đó rất nhiều thử thách trong việc chuyển giao thế hệ tại các DN Việt Nam. Cần thiết là vậy, song không ít trường hợp DN phải ngậm ngùi “bán mình” cho đối tác do con cái không muốn nối nghiệp, đơn cử chia sẻ của nhà sáng lập Bánh bao Thọ Phát (bán hơn 70% vốn cho Tập đoàn KIDO).
Chưa kể, loạt vấn đề về khác biệt quan điểm, quyết định chóng vánh không có lộ trình hay phân biệt đối xử cũng là những bất cập trong quá trình chuyển giao, thậm chí dẫn đến tranh cãi, lúng túng cho nhiều công ty Việt Nam.
Theo chuyên gia Deloitte, 2 vấn đề cần chú trọng để chuyển giao thành công:
Trước hết, cần chuyên nghiệp hoá các mối quan hệ trong gia đình đang tồn tại. Với các DN gia đình thành công trên thế giới, khi đặt vấn đề chuyển giao thế hệ, việc lập kế hoạch chuyển giao được họ làm rất sớm, làm xong không phải chuyển giao ngay. Nhưng khi Deloitte thực hiện phỏng vấn các DN gia đình ở Việt Nam, họ nói có nghĩ đến câu chuyện chuyển giao, gửi con ra nước ngoài học, giao việc cụ thể cho con… nhưng chưa lập kế hoạch một cách cụ thể ai sẽ đảm nhận chức vụ nào trong công ty, phải đầu tư đào tạo, giáo dục ra sao từ khi rất nhỏ.
Thứ hai, các DN gia đình cần hiểu hơn về bình đẳng giới, đánh giá khả năng tiềm ẩn của các con một cách khách quan, chứ không phải là cho con trai có quyền nắm giữ tài sản nhiều hơn con gái, có quyền ưu tiên trong kế nghiệp.
“Quan sát các cuộc chuyển giao, tôi thấy thế hệ thứ hai đang thành công, trong đó tỷ lệ nữ chiếm phần không nhỏ. Theo tôi, con trai con gái cần có sự công bằng trong chuyển giao thế hệ và kế nghiệp tài sản”, lãnh đạo Deloitte từng chia sẻ.
Nhìn chung, tầm quan trọng của việc chuyển giao giao quyền lực cho F1 là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt giai đoạn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong cuộc chơi mới về công nghệ, bán dẫn… Do đó, nhiều đơn vị cần học hỏi bài học chuyển giao thế hệ ở người đi trước, hoặc từ các quốc lân cận. Chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh với gia đình có nhiều F1 thành công thì càng cần sự minh bạch, khéo léo, công bằng, phân quyền rõ ràng ngay từ đầu của cha mẹ để tránh các nguy cơ nội chiến, vì nếu nội chiến xảy ra có thể tàn phá các cơ nghiệp gia tộc.
Xem thêm tại cafef.vn