Câu hỏi trước thềm VIF 2025: Cổ phiếu chứng khoán còn triển vọng đầu tư khi lợi nhuận ngành lao xuống mức thấp nhất ba quý?
Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên việc phân tích kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán tương đối quan trọng bởi điều này sẽ giúp nhà đầu tư hình dung ra được bức tranh toàn cảnh trước khi đặt câu hỏi cho những chuyên gia tại sự kiệnDiễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2025.
Theo thống kê của người viết, trong số 77 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý III, có 25 đơn vị tăng lãi (bao gồm 4 trường chuyển từ lỗ sang lãi), 33 đơn vị giảm lãi và 19 đơn vị báo lỗ. Tổng lãi trước thuế (LNTT) ngành chứng khoán đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, LNTT toàn ngành ghi nhận thấp nhất trong ba quý đầu năm. So với quý II liền trước, tổng LNTT giảm 14%, tương đương giảm 1.100 tỷ đồng.
Xét nhóm 15 công ty báo lãi lớn nhất (chiếm 85% LNTT toàn ngành) trong quý vừa qua, sự phân hóa rõ nét khi 8 trường hợp tăng lãi và 7 trường hợp giảm so với quý II. Đơn cử, LNTT quý III của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận 1.097 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và thấp hơn 32% so với quý II liền trước. Công ty ghi nhận giảm doanh thu các mảng tự doanh, môi giới, bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán.
Tại báo cáo tài chính riêng quý III, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) ghi nhận 937 tỷ đồng LNTT, thấp hơn 12% so với quý II. Lợi nhuận giảm do doanh thu hoạt động giảm 12%, chủ yếu ở mảng môi giới.
Các trường hợp cũng đi lùi lợi nhuận so với quý trước kể đến Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) (-29%), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) (-23%), Chứng khoán MB (Mã: MBS) (-17%), Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) (-7%) hay Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) (-46%).
LNTT quý III của FPTS thấp hơn phân nửa so với cùng kỳ cũng như quý II liền trước. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận giảm sâu đến từ đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) - với chủ yếu là cổ phiếu MSH của May Sông Hồng.
Bên cạnh đó, FPTS cũng cho biết kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi thanh khoản thị trường giảm, đồng thời công ty áp dụng nhiều chính sách miễn giảm phí giao dịch và lãi vay margin. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất từ đầu năm của FPTS. Lũy kế 9 tháng, LNTT đạt 481 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Phía đối diện, các đơn vị tăng trưởng đáng kể lợi nhuận so với quý trước kể đến Chứng khoán VPS (+26%), VNDirect (Mã: VND) (+46%), VIX (+110%), ACBS (+86%) hay Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) (+32%).
VPS có quý báo lãi kỷ lục, với LNTT đạt 820 tỷ đồng, cao hơn 26% so với quý II và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động quý III hơn 1.644 tỷ đồng, giảm 4% so với quý II. Kết quả đi lên đến từ giảm chi phí, trong đó chi phí nghiệp vụ môi giới thấp hơn 22%, ghi nhận 605 tỷ đồng.
Chứng khoán VIX báo LNTT quý II gấp 2,1 lần so với quý II, đạt 325 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động quý III đạt 553 tỷ đồng, gấp rưỡi quý II, trong khi chi phí hoạt động tăng không đáng kể. Đây là kết quả cao nhất 5 quý của VIX, kể từ sau quý II/2023 (LNTT trên hơn 700 tỷ đồng).
Với Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán ACB (ACBS), điểm chung là lợi nhuận quý II thấp nhất trong ba quý đầu năm. LNTT quý III của VNDirect cao hơn 26% so với quý II song vẫn thấp hơn 19% so với quý I. Trường hợp ACBS, LNTT quý III đi ngang so với quý I và cao hơn 86% so với quý II.
Những khoản lợi nhuận tiềm ẩn hàng trăm tỷ đồng
Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán cho thấy việc đánh giá lại các tài sản tự doanh, điều này có thể giúp một số trường hợp tăng trưởng đột biến hoặc chuyển từ lỗ sang lãi.
Tuy nhiên, khoản lãi chỉ được ghi nhận tại lợi nhuận chưa thực hiện trong cơ cấu lợi nhuận. Trường hợp thị trường chung xuất hiện nhịp điều chỉnh có thể khiến khoản lợi nhuận này biến mất, do đánh giá lại giá trị danh mục cổ phiếu.
Tại báo cáo tài chính quý III, một số công ty chứng khoán ghi nhận đáng kể lợi nhuận chưa thực hiện, với con số lên đến hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Báo cáo tài chính riêng của SSI cho thấy 212 tỷ đồng lợi nhuận chưa thưc hiện. Hay VIX cũng có 225 tỷ đồng lợi nhuận chưa thực hiện.
Tương tự, Chứng khoán KIS Việt Nam, ACBS, HSC đang ghi nhận lần lượt 36 tỷ đồng, 65 tỷ đồng và 118 tỷ đồng lợi nhuận chưa thực hiện.
Ở chiều ngược lại, VNDirect, TPS, VCBS, FPTS đang ghi âm khoản mục này với giá trị vài tỷ đến 44 tỷ đồng. Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) và Chứng khoán APG (Mã: APG) thậm chí ghi âm con số đến 234 tỷ đồng và 156 tỷ đồng trong quý III.
Những thống kê trên đã đưa tới nhà đầu tư bức tranh tổng quan về triển vọng kinh doanh của ngành chứng khoán. Câu hỏi liệu nhóm cổ phiếu này còn triển vọng để đầu tư trong thời gian tới hay không sẽ được đội ngũ chuyên gia gồm những nhà phân tích và quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam trả lời tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2025 sẽ được diễn ra vào ngày 8/11 tới đây tại TP HCM.
Xem thêm tại vietnambiz.vn