Cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng, chuyên gia Pháp quay lại tìm giải pháp an toàn
Theo thông tin từ Báo Tiền phong, ngày 12/11, thay vì cho xe máy và xe ba bánh lưu thông như lâu nay, hiện hai đầu cầu Long Biên đã dựng biển báo chỉ cho xe máy lưu thông, cấm tuyệt đối ô tô, xe ba bánh.
Một số giàn sắt được sơn chống hoen gỉ nhưng chỉ sơn ở phần tiếp giáp với thành cầu, còn lại toàn bộ giàn thép đan xen nhau, cao gần chục mét vẫn phủ một màu đen kịt, sùi từng lớp mạt sắt do hoen gỉ lâu ngày.
Tại giàn thép được đánh số 10-TL-N2 chiều nội thành Hà Nội sang Long Biên, giữa hai cột đỡ các thanh giằng còn phải dùng các thanh gỗ để buộc chặt các cột đỡ này với nhau. Với các thanh gỗ tà vẹt làm gối cho đường ray tàu chạy hằng ngày, nhiều thanh đã bị nứt, một số thanh nứt rộng đã được công nhân dùng dây thép buộc lại để hạn chế việc nứt thêm.
Với mặt cầu hai bên dành cho xe máy lưu thông, mặt nhựa đường nứt thủng nhiều đoạn, có vị trí nứt thủng rộng, người tham gia giao thông có nhìn thấy nước sông Hồng bên dưới. Tại một số vị trí hư hỏng đã được đơn vị quản lý cầu dùng các tấm sắt đặt lên trên để đảm bảo cho phương tiện đi lại bình thường. Còn bờ lan can sắt thành cầu theo chiều nội thành – Long Biên nhiều vị trí đang bị ngả ra phía sông, để giữ cho các bờ này không bị đổ, đơn vị quản lý cầu đã dùng các thanh sắt ngắn hàn gia cố với sàn cầu để giữ.
Hiện trạng cầu Long Biên. Nguồn ảnh: Tạp chí Công thương |
Đại diện lãnh đạo CTCP Đường sắt Hà Hải (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu và sửa chữa cầu Long Biên cho biết, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí trên cầu bị gỉ sét, hao mòn tiết diện. Dù công ty đã liên tục tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, vẫn còn nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Theo Công ty Đường sắt Hà Hải, hệ thống dầm thép của cầu Long Biên hiện gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tại các nguyên đơn giàn thép số 6, 7, và 8 thuộc nhịp N1 phía hạ lưu (hướng Long Biên - nội thành), kết cấu đã bị cong vênh; phần cánh của một số nguyên đơn tại đây cũng đã bị gỉ sét, hao mòn tiết diện. Tại dầm D3/7, các thanh liên kết của giàn chính đã rỉ sét, hao mòn tiết diện, trong đó có các bản liên kết đã bị ăn mòn đến mức mỏng nguy hiểm, đe dọa kết cấu của dầm và tiềm ẩn nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Trước đó, vào tháng 10, các chuyên gia kỹ thuật của Pháp đã tới Việt Nam làm việc với các bên liên quan theo hướng tìm giải pháp để đảm bảo an toàn cho cầu Long Biên.
“Trong giai đoạn 2023-2024, Pháp tài trợ việc khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên và khả năng cải tạo nhằm nhằm bảo tồn theo hướng di sản, khoản tài trợ không hoàn lại này là 700.000Euro (hơn 19 tỷ đồng). Khoản kinh phí và công việc này được giao về cho UBND TP. Hà Nội, hiện nay Sở Giao thông vận tải đang là cơ quan thường trực thực hiện việc này”, lãnh đạo CTCP đường sắt Hà Hải.
Được biết, cầu Long Biên được xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1691,15m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2-130m).
Cầu Long Biên đã trải qua 120 năm sử dụng và đã quá tuổi thọ để khai thác vận tải. Sau nhiều lần được các nguồn ngân sách từ Pháp và Bộ Giao thông vận tải đầu tư sửa chữa cấp lớn, nhỏ, nhưng thực trạng cầu được đánh giá “vẫn có nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào”.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn