CB và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc, 3 ngân hàng yếu kém còn lại thì sao?

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Cùng ngày, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động quý 3 trong ngày 17/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Ngân hàng 0 đồng còn lại và một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank đang triển khai lộ trình. Còn SCB thì duy trì ổn định”.

Hiện NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Chia sẻ chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho biết hai ngân hàng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt các ngân hàng khác trong tương lai. Ông khẳng định, mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là nhằm giúp các ngân hàng yếu kém khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật. "Trước, trong và sau quá trình chuyển giao, tiền gửi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo", ông Nguyễn Đức Long nói.

Xem thêm tại cafef.vn