CEO ABBank: Năm 2024 sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ cho chiến lược chuyển đổi ở ABBank

CEO ABBank: Năm 2024 sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ cho chiến lược chuyển đổi ở ABBank- Ảnh 1.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

ABBank vừa kết thúc năm 2023 với kết quả kinh doanh chưa như kỳ vọng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 5/4 vừa qua, ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ với cổ đông rằng, lợi nhuận trước thuế năm 2023 sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao. Ngoài ra, trong năm qua, ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện chuyển đổi nâng cao hiệu quả hoạt động...

Với những nền tảng được xây dựng trong các năm qua và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, các cổ đông ABBank thống nhất mục tiêu cho năm 2024 là lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13,5% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13,5% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Sau Đại hội cổ đông, ông Phạm Duy Hiếu đã có những chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh năm qua cũng như cơ sở để đạt được mục tiêu của năm 2024.

LẤY THÁCH THỨC CỦA 2023 LÀM ĐỘNG LỰC ĐỂ QUYẾT LIỆT THAY ĐỔI TRONG NĂM 2024

PV: ABBank vừa kết thúc một năm kinh doanh chưa được như kỳ vọng. Ông có chia sẻ gì về kết quả này?

Nhìn một cách tích cực, có nhiều bài học đã được rút ra để chúng tôi có những điều chỉnh kịp thời gắn với kế hoạch hành động cụ thể cho năm 2024. Trước tiên là công tác lập kế hoạch kinh doanh cần được xây dựng sát thực tế và có các phương án dự phòng rủi ro tốt hơn. Một số khoản dự thu lãi của chúng tôi đã phải điều chỉnh, như lãi dự thu từ trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, lãi dự thu từ các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng cần được tăng cường… Trong năm 2023, Ngân hàng cũng dành nhiều nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu mô hình bán hàng, xử lý các vấn đề tồn tại và tập trung làm sạch danh mục cho vay.

ABBank lấy thách thức này làm động lực để quyết liệt thay đổi tư duy, xây dựng các kế hoạch chuyển đổi và tăng tốc triển khai các hành động cụ thể trong năm 2024 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đạt được mục tiêu phát triển của Ngân hàng. Chúng tôi đang rốt ráo triển khai Dự án Làm mới Chiến lược Ngân hàng giai đoạn 2024- 2028 với mục tiêu đưa ABBank bứt phá trong nhóm ngân hàng hoạt động an toàn và tăng trưởng tốt, đáp ứng sự kỳ vọng cũng như tạo ra các giá trị bền vững cho khách hàng và cổ đông.

CEO ABBank: Năm 2024 sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ cho chiến lược chuyển đổi ở ABBank- Ảnh 2.

ABBank lấy thách thức của năm 2023 làm động lực để quyết liệt thay đổi trong năm 2024

Như vậy công tác quản trị rủi ro có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động cũng như phát triển của ngân hàng, ABBank có điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

Quản trị rủi ro vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác vận hành của ABBank. Trong năm 2023, khi tình hình chung của toàn thị trường làm nợ xấu tăng lên trong hệ thống ngân hàng, ABBank đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo hoạt động ổn định.

Sang 2024, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường còn tiếp tục có những khó khăn nhất định từ 2023 như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều nút thắt, bất động sản còn chưa phục hồi và dự kiến từ nửa sau 2024 toàn nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Theo đó, công tác lập kế hoạch kinh doanh 2024 đã có những hiệu chỉnh phù hợp theo tình hình thị trường và trên cơ sở bám sát hơn dự báo rủi ro tín dụng ABBank cho 2024. Thu nhập từ các hoạt động lõi gồm thu lãi và thu phí được đẩy mạnh để bù đắp chi phí rủi ro đã dự phóng, làm cơ sở khả thi hơn để đạt kế hoạch kinh doanh 2024 như đã trình bày với cổ đông.

ABBank cũng tăng cường năng lực quản trị rủi ro thông qua các hành động như: Áp dụng các mô hình định lượng trong cảnh báo sớm danh mục; Rà soát, hoàn thiện quy trình phân luồng quản lý nợ và tăng cường năng lực của bộ máy quản trị nợ nhằm ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Cả hệ thống ưu tiên, tập trung xử lý nợ để hoàn nhập dự phòng từ các khoản nợ xấu được thu hồi.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm qua nền tảng số cho khách hàng. Các sản phẩm này tiện tích, thuận tiện cho khách hàng nhưng cũng tiền ẩn rủi ro. ABBank thực hiện quản lý rủi ro đối với những sản phẩm này như thế nào?

Để quản trị tốt rủi ro số, đảm bảo thông tin, dữ liệu của khách hàng luôn được bảo vệ trước những cuộc tấn công từ bên ngoài cũng như vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật của ngân hàng, ABBank đã thúc đẩy đầu tư, ứng dụng các giải pháp quản trị rủi ro công nghệ số.

Với mục tiêu gia tăng tính bảo mật, ABBank cũng đã đầu tư vào một số dự án về chuyển đổi số, xây dựng tính năng nhận diện, xác thực khách hàng qua phương tiện điện tử bao gồm các giải pháp chống giả mạo khi mở tài khoản ngân hàng điện tử và xác minh khách hàng qua cơ sở dữ liệu cư dân quốc gia; tăng cường khả năng bảo mật thông tin khách hàng trong thanh toán trực tuyến, cảnh báo sớm các khách hàng có dấu hiệu rủi ro… Theo đó, ngân hàng có công cụ kiểm soát để nhận diện khách hàng, nhận biết các giao dịch bất thường, từ đó chủ động phát hiện những dấu hiệu bất thường trong giao dịch để sớm ngăn chặn những giao dịch gian lận, lừa đảo và phòng chống rửa tiền.

Các hệ thống nền tảng số được xây dựng tuân thủ theo tiêu các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế mà ngân hàng đã được chứng nhận bao gồm: PCI DSS, ISO 27001. Trước khi cung cấp ra thị trường, các sản phẩm và dịch vụ số thực hiện kiểm thử đột nhập, bao gồm: Xác thực người dùng, mã hóa thông tin, kiểm tra dữ liệu đầu vào, bảo vệ API, và đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin cá nhân.

Ngoài ra, ABBank còn thực hiện nhiều chốt chặn khác nhau như: Hậu kiểm, đánh giá rủi ro, chốt kiểm soát RCSA để giảm thiểu khả năng xảy ra các rủi ro hoạt động trọng yếu…

Theo báo cáo tài chính của ABBank thì các khoản thu ngoài lãi năm 2023 tăng trưởng khá tốt, năm 2024 thì thế nào, dự kiến đâu sẽ là nguồn thu giúp gia tăng tỷ trọng?

Năm 2024, để tiếp tục tăng các khoản thu ngoài lãi đối với nhóm khách hàng cá nhân, ABBank sẽ đẩy mạnh các mảng bảo lãnh, bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, tăng thu phí dịch vụ thông qua việc thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng tài khoản ABBank như là tài khoản giao dịch chính...

Song song đó, ABBank tập trung đẩy mạnh phát triển và cung cấp các dịch vụ về ngân hàng giao dịch cho các khách hàng SMEs và Khách hàng doanh nghiệp lớn; đẩy mạnh bán chéo bán thêm và khai thác sâu vào nhóm doanh nghiệp SME có doanh thu từ 25 đến 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, ABBank sẽ tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng của các mảng kinh doanh trọng yếu, với dự kiến tăng trưởng 13,5% ở cả mảng huy động và cho vay.

Để làm được điều này, chúng tôi không ngừng đầu tư cải thiện danh mục sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng với các dự án chuyển đổi số quan trọng. ABBank đã triển khai thành công các dự án nền tảng công nghệ trọng yếu để đưa vào phục vụ kinh doanh và hướng tới mục tiêu số hóa hành trình khách hàng như nền tảng Google Cloud (môi trường điện toán đám mây lai - Hybrid Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống khởi tạo khoản vay - LOS, hệ thống Credit Engine cho các mô hình định lượng rủi ro tín dụng phân khúc KHCN bên cạnh cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng hạ tầng CNTT và An ninh thông tin. Ngân hàng đang từng bước đưa hệ thống giao dịch đa kênh – Omni Channel vào phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, hướng tới chuyển đổi toàn bộ khách hàng sang nền tảng mới trong năm 2024.

CEO ABBank: Năm 2024 sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ cho chiến lược chuyển đổi ở ABBank- Ảnh 3.

ĐHCĐ của ABBank ngày 5/4/2024

5 TRỌNG TÂM TRONG CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI

Thông điệp của ABBank đưa ra cho năm nay là "A Bold Beginning" tạm dịch là Một khởi đầu mạnh mẽ cùng với dự án Làm mới chiến lược Ngân hàng giai đoạn 2024-2028. Ông có thể chia sẻ thêm về Dự án này?

Hiện nay, ABBank đang dành nhiều nguồn lực đầu tư vào dự án trọng điểm "Làm mới Chiến lược Ngân hàng giai đoạn 2024-2028" với sự đồng hành của công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu McKinsey. Đây là một sự đầu tư đáng kể với kế hoạch triển khai các sáng kiến theo một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu phát triển 5 năm tới của ABBank. Theo đó, ABBank sẽ tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi của Ngân hàng dựa trên 5 trọng tâm chiến lược, bao gồm:

Thúc đẩy & Phát triển: Đối với nhóm Khách hàng cá nhân và Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ, ABBank tập trung thúc đẩy tăng trưởng CASA đồng thời nâng cao thu nhập từ phí thông qua các hoạt động thu hút khách hàng số lượng lớn, đổi mới sản phẩm theo phân khúc và cải thiện quan hệ khách hàng dựa trên các phân tích chuyên sâu về nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, ABBank ưu tiên cải thiện hành trình trải nghiệm của khách hàng trên kênh vật lý và kênh ngân hàng số.

Tinh gọn & Tối ưu hóa: ABBank tiếp tục nỗ lực triển khai việc tinh gọn các quy trình hoạt động của Ngân hàng, trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc tối ưu hóa các quy trình cho vay thông qua tinh chỉnh mô hình tín dụng, tái thiết kế & số hóa/tự động hóa hành trình cho vay cho các sản phẩm cho vay thế chấp và tín chấp.

Củng cố & tăng cường năng lực: ABBank đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng, trong đó xác định quản trị rủi ro và công nghệ thông tin là những năng lực trọng tâm cần được củng cố và phát triển.

Kiện toàn bộ máy & nâng cao hiệu quả hoạt động: Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, cũng như mô hình quản trị theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất trên phạm vi toàn hệ thống để phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phát triển các sáng kiến kinh doanh mới: Song song với việc ưu tiên xây dựng, củng cố nền tảng, chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt đông kinh doanh cốt lõi và tạo cơ sở tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, ABBank không ngừng chủ động tìm kiếm các ý tưởng, sáng kiến kinh doanh mang tính đột phá với mục tiêu cung cấp cho khách hàng những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất.

Toàn bộ hệ thống ABBank đã sẵn sàng chinh phục những thử thách mới và tạo giá trị!

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

ABBank chốt kế hoạch kinh doanh năm 2024 gồm lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13,5% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13,5% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bộ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 được xây dựng căn cứ trên kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2024 – 2028 với mục tiêu cụ thể cuối năm 2028 sẽ đạt tổng tài sản: 420.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.200 – 10.000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường 57.000 – 68.000 tỷ đồng.


Xem thêm tại cafef.vn