CEO Hòa Phát nói về lý do đề xuất áp thuế chống bán phá giá HRC
Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vào ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết đã cùng với Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc vào ngày 19/03.
Hiện tại trong nước, sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) chỉ được sản xuất bởi hai doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Do đó, ông Thắng theo đó nhấn mạnh việc cạnh tranh với thép Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu của Hòa Phát từ những ngày đầu làm thép.
Thị trường thép Trung Quốc đã có sự thay đổi sau Covid-19 do kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhất là các hoạt động bất động sản bị đóng băng. Tình trạng dư thừa cung buộc các doanh nghiệp nước này phải xuất khẩu nhiều hơn.
Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.
CEO Nguyễn Việt Thắng cho rằng Hòa Phát hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thế giới nhờ có giá thành sản xuất tốt. "Với cơ cấu nguyên liệu hiện nay, thép của Hòa Phát có thể hoàn toàn cạnh tranh với thép Trung Quốc," ông nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hòa Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.
Về mặt tổng thể, với các công ty thép lớn của Trung Quốc hoạt động một cách nghiêm chỉnh, CEO Hòa Phát vẫn tự tin cạnh tranh được. Đại diện tập đoàn nói chỉ phản đối trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra.
“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đưa được sản phẩm ra ngoài. Với thực trạng như thế thì chúng ta cũng phải có những giải pháp phù hợp ”, ông Thắng đưa quan điểm.
Vị này nêu quan điểm đơn giản là khi phát hiện dấu hiệu của việc bán phá giá, tập đoàn sẽ đề xuất với cơ quan để hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước. Thép là ngành xương sống của nền công nghiệp và doanh nghiệp tin rằng sẽ được ủng hộ.
"Chúng tôi thấy có các dấu hiệu bán phá giá thì đề xuất với cơ quan nhà nước, mong muốn có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển", ông nói và cho biết việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và đánh giá của cơ quan Nhà nước.
Hiện Hòa Phát và Formosa chỉ mới nộp hồ sơ đề xuất điều tra từ ngày 19/3, Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ. Quá trình nộp hồ sơ, đánh giá và điều tra sẽ mất từ 12 đến 18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương khởi xướng điều tra.
Với lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo, CEO Hòa Phát cho rằng kịch bản này sẽ dẫn tới ngành thép Trung Quốc càng đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, làm tăng mức cạnh tranh và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát.
“Trong trường hợp đó chúng ta phải bắt buộc cạnh tranh và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng với biên lợi nhuận của Hòa Phát. Nếu Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu ra thế giới, chúng tôi tự tin vẫn có thể cạnh tranh được, nhưng biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh”, ông cho biết.
Ở chiều ngược lại, Hòa Phát cũng sẽ chịu áp lực bị các nước khác áp thuế chống phá giá tương tự khi đang xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ngành thép đang là một trong những ngành bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trên thế giới.
Để hạn chế bị các nước áp thuế, giải pháp mà ông Thắng đưa ra là phải phân phối sản phẩm sang nhiều quốc gia và duy trì một tỷ trọng ở mức ít có nguy cơ bị áp thuế.
Vị lãnh đạo khẳng định mục tiêu sau cùng là sản xuất ra hàng hóa có giá thành cạnh tranh mới có thể tồn tại, đồng thời tự tin thép Hòa Phát đang có giá thành cạnh tranh tương đối để có thể phát triển như hiện nay.
Xem thêm tại vietnambiz.vn