CEO một công ty chứng khoán xin từ nhiệm ngay đầu năm
CTCP Chứng khoán SBB (SBBS) vừa công bố đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc Trần Mạnh Hùng. Vì lý do cá nhân, ông Hùng xin từ nhiệm kể từ 15/2.
Theo SBBS giới thiệu, ông Hùng sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, khoa Quản trị Kinh doanh. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán, từng trải qua các vị trí như Trưởng phòng Môi giới chứng khoán của CTCP Chứng khoán Apec (Mã: APS), Giám đốc Chi nhánh SBBS… Từ đầu năm 2014, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Môi giới và Kinh doanh của SBBS.
Đến tháng 10/2023, ông Hùng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay thế bà Yei Pheck Joo (quốc tịch Malaysia), và hiện là thành viên duy nhất của ban điều hành (theo báo cáo quản trị bán niên 2024). Như vậy, ông Hùng từ nhiệm sau khoản một năm rưỡi, trong khi nhiệm kỳ bổ nhiệm là 5 năm.
Việc từ nhiệm của ông Hùng nối tiếp những thay đổi thượng tầng hậu đổi chủ tại SBBS.
Vào tháng 10/2024, ĐHĐCĐ bất thường của SBBS thông qua miễn nhiệm ba thành viên hội đồng quản trị, gồm ông Derek Chin Chee Seng và ông Kuok Wee Kiat - hai đại diện của cổ đông sáng lập đến từ Malaysia là Inter-Pacific Securities Sdn Bhd (IPS) - và ông Phạm Hoài Nam - đại diện quản lý phần góp vốn của một cổ đông sáng lập khác là Saigonbank.
Đồng thời, bà Nguyễn Thu Phương và ông Cao Minh Vinh được bổ nhiệm thay thế cho nhiệm kỳ 2021 – 2026, đưa số lượng thành viên HĐQT giảm từ 6 về 5 thành viên, cùng với bà Nguyễn Thị Hương Giang (Chủ tịch), ông Phạm Trí Hiếu và ông Huỳnh Đào Hoàng Nam.
Tại thời điểm bổ nhiệm, bà Nguyễn Thu Phương sở hữu gần 1,4 triệu cp SBBS (3,94% vốn), ông Cao Minh Vinh đại diện phần sở hữu 3,3 triệu cp của Saigonbank (tỷ lệ 9,43%).
IPS đã thoái hết vốn vào tháng 10/2024, sau khi chuyển nhượng toàn bộ 4 triệu cp đến Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Hương Giang. Đồng thời, bà Giang nhận chuyển giao 5 triệu cp do SBBS phát hành thêm, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 60%.
ĐHĐCĐ bất thường cũng đã thông qua việc đổi tên công ty từ CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya thành CTCP Chứng khoán SBB.
Tình hình kinh doanh của SBBS khởi sắc khi có lãi trong quý II/2024 và III/2024, sau chuỗi lỗ kéo dài từ đầu 2022. Đây cũng là hai quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính quý (từ quý III/2012).
Trong quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động trên 1 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu cho vay margin và môi giới cùng giảm. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế đạt 5,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ hơn 2 tỷ đồng. SBBS giải trình kết quả đi lên nhờ quý III/2024 có khoản dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu được hoàn nhập 8,4 tỷ đồng mà công ty đã thu hồi được.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế đạt gần 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 6 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn