CEO Ngân hàng Techcombank (TCB): Có thể bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược

Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây, ông Jens Lottner - CEO Ngân hàng Techcombank (mã cổ phiếu TCB - sàn HoSE) cho biết nhà băng này sẽ cân nhắc việc bán 15% cho nhà đầu tư chiến lược.

“Chúng tôi được rất nhiều người quan tâm”, lãnh đạo Ngân hàng Techcombank nói. Ông Jens Lottner cho biết thêm rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank.

CEO Ngân hàng Techcombank
Ông Jens Lottner - CEO Ngân hàng Techcombank trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg.

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu thêm 8% nữa trước khi đạt tới giới hạn 30% vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại ngân hàng. Bởi vậy, một số cổ đông nước ngoài có thể phải bán bớt cổ phiếu để Ngân hàng Techcombank có thể chào bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, trong trường hợp đối tác là tổ chức nước ngoài.

"Một trong những nhà đầu tư đang sở hữu từ 8 - 9% vốn đã sẵn sàng rời đi, bởi vậy, tỷ lệ 15% là khá hợp lý ở thời điểm này", CEO Ngân hàng Techcombank cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Jens Lottner nhấn mạnh Ngân hàng Techcombank sẽ không quá tập trung trong việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh ngân hàng đã có khả năng sinh lời lớn và việc huy động vốn mới hiện nay là không cần thiết, thay vào đó là những nhà đầu tư chiến lược có thể hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Techcombank sẽ cân nhắc giữa những "nhà đầu tư chiến lược thật sự tốt" hay "những nhà đầu tư dài hạn” khi xem xét kế hoạch về vốn trong những năm tới.

“Chúng tôi chủ động tìm kiếm năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và khả năng tiếp cận các hành lang thương mại (trade corridor)”, ông Jens Lottner nói.

CEO Ngân hàng Techcombank giải thích hiện có rất nhiều dòng vốn đang đổ vào từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc và ngân hàng đang tìm kiếm các đối tác có thể giúp ngân hàng “tham gia vào những hành lang thương mại này".

Ngoài ra, ông Jens Lottner cũng cho biết Ngân hàng Techcombank đang tiếp cận một đối tác bảo hiểm khác sau khi ngừng hợp tác với Manulife Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói rằng quá trình đàm phán “vẫn còn rất sớm” và mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong 6 tháng tới.

Theo CEO Ngân hàng Techcombank, ngân hàng đang cân nhắc các kịch bản, bao gồm tập trung vào phân phối hay thiết lập một doanh nghiệp bảo hiểm và làm việc với các đối tác khác.

Giá cổ phiếu TCB Ngân hàng Techcombank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: Bất động sản dẫn dắt tăng trưởng, Ngân hàng Techcombank (TCB) chuẩn bị “Nam tiến” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Techcombank đã công bố kết thúc đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm với Manulife Việt Nam sau 11 năm hợp tác. Ngay sau đó, ngân hàng này đã công bố việc góp vốn với tỷ lệ 11% để thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ TechcomInsurance.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Techcombank ghi nhận 22.842 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý 3/2024, lợi nhuận của ngân hàng đạt 7.214 tỷ đồng, đứng thứ ba trong số các ngân hàng niêm yết.

Cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng Techcombank đạt 927.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Tính riêng ngân hàng mẹ, tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm lên 622.100 tỷ đồng.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn