CEO Nguyễn Văn Tuấn: Gelex không có kế hoạch đầu tư thêm vào Viglacera

CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 theo hình thức họp trực tiếp vào sáng 28/3. Đại hội có sự tham gia của hơn 200 cổ đông, đại diện cho hơn 54% cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm nay, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu 32.303 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.921 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 7% và 38% so với năm 2023.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

Nói về kế hoạch phát triển của Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc chia sẻ các năm tiếp theo, tập đoàn xác định tập trung vào quản trị - xây dựng nền móng vững chắc để đi xa hơn, tập trung vào các doanh nghiệp có lợi ích để mở rộng hơn nữa.

Ví dụ, Cadivi vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng ở thị trường phía Bắc hay thị trường xuất khẩu. Trọng tâm là quản trị tốt hơn và phát triển công ty con có lợi thế, tìm kiếm những cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ ở mảng sản xuất các thiết bị có giá trị cao hơn. Tập đoàn cũng đang thành lập các trung tâm nghiên cứu các sản phẩm mới. Công tác R&D cũng là trọng tâm và ưu tiên của tập đoàn trong những năm tới.

Với mảng M&A, Gelex sẽ tìm kiếm các cơ hội thật sự phù hợp về quản trị, năng lực tài chính, ưu tiên doanh nghiệp có tiêu chí phù hợp với tập đoàn.

"Gelex đang tốt lên từng ngày. Chúng tôi đang tập trung vào quản trị nhân sự, tài chính, kiểm toán nội bộ và đang triển khai hệ thống quản trị rủi ro", CEO tập đoàn cho hay.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024. (Ảnh: Gelex).

Về phương án chia cổ tức, năm 2023, tập đoàn đề xuất không chia cổ tức. Còn với năm 2024, Gelex dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15%. ĐHĐCĐ sẽ uỷ quyền cho HĐQT được quyết định mọi nội dung, vấn đề liên quan đến việc chi tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền nếu xét thấy việc tạm ứng này phù hợp với hoạt động của công ty.

Tại buổi họp, tập đoàn đã được thông qua phương án phát hành 8 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 0,9% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, bằng 40% giá trị cổ phiếu GEX chốt phiên 27/3 (25.050 đồng/cp).

80 tỷ thu được dự kiến được dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán và được giải toả dần theo lộ trình. 50% số cổ phiếu được giải toả sau 30 tháng và 50% cổ phần còn lại được giải toả sau 36 tháng.

Sau phát hành, vốn điều lệ của tập đoàn dự kiến tăng từ 8.515 tỷ lên 8.595 tỷ đồng.

Liên quan tới câu chuyện nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái như Thibidi, HEM rời sàn chứng khoán, CEO Gelex chia sẻ rằng: "Các doanh nghiệp rời sàn đa phần là các doanh nghiệp Gelex sở hữu trên 75% có doanh nghiệp lên tới 90-95% nên cổ phiếu trên sàn không có thanh khoản. Tập đoàn xác định đây là khoản đầu tư dài hạn. Khi niêm yết, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, gây mất thời gian.

Hơn nữa, việc báo cáo công khai định kì khiến đối thủ biết được chiến lược, đường đi nước bước của doanh nghiệp nên tập đoàn quyết định rời sàn để tập trung vào sản xuất kinh doanh".

Quý II hoàn tất giao dịch thoái vốn mảng năng lượng

Chia sẻ về lộ trình thoái vốn tại mảng năng lượng, ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Đây là mảng có tài sản đầu tư lớn của tập đoàn trong 5 năm qua, xấp xỉ 8.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu khoảng 2.700 tỷ còn lại là vốn vay".

Người đứng đầu tập đoàn giải thích việc thoái vốn nằm trong chiến lược, tức thoái để lựa chọn đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ và khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đồng hành cùng tập đoàn trong các dự án tiếp.

"Việc thoái vốn đến thời điểm hôm nay về cơ bản các thủ tục chính đã hoàn tất. Tuy nhiên còn một thủ tục cuối cùng liên quan tới giao dịch kinh tế tập trung. Tập đoàn đang nỗ lực và kỳ vọng trong quý II sẽ đóng toàn bộ các thủ tục pháp lý theo quy định của nhà nước", ông Hiền cho hay.

Nói thêm về mục đích sử dụng tiền từ thoái vốn, Chủ tịch HĐQT cho hay: "Việc thoái vốn giúp tập đoàn thu hồi được khoản đầu tư khoảng 3.700 - 3.800 tỷ, giảm đòn bẩy tài chính trên 4.000 tỷ. Thoái vốn sẽ giúp hệ số tài chính của tập đoàn tốt hơn".

Hiện Gelex đang tập trung hoàn thành Dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê” tại số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, trong đó vốn đối ứng khoảng 2.500 tỷ. Ngoài ra, Gelex cũng tập trung sâu hơn vào liên doanh với Fraser Property.

Bên cạnh đó, mục tiêu thoái vốn cũng mở rộng cơ hội đầu tư có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn. 

Không có kế hoạch đầu tư thêm vào Viglacera

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) được chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn khỏi Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2024 - 2025. Hiện CTCP Hạ tầng Gelex (công ty con do Gelex nắm gần 97% quyền biểu quyết) đang sở hữu 50,21% vốn tại Viglacera. Còn Bộ Xây dựng nắm gần 38,58% vốn của Viglacera.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Gelex thông tin với cổ đông: "Hiện tổng công ty đã thuê được đơn vị định giá. Gelex đầu tư vào Viglacera ở giai đoạn rất sớm với giá vốn trung bình khoảng 24.000 đồng/cp và giá thị trường hiện ở ngưỡng trên 58.000 đồng/cp. Tập đoàn không ưu tiên đầu tư thêm vào Viglacera, sẽ kêu gọi đối tác có năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu. Tập đoàn sẽ hỗ trợ để đối tác cùng phát triển Viglacera.

Tập đoàn đang mời chào các đối tác, tổ chức roadshow cho Bộ Xây dựng để có thể bán được giá tốt nhất. Theo nguyên tắc định giá, giá trị sổ sách của Viglacera khoảng 30.000 - 32.000 đồng/cp trong khi trên sàn trên 58.000 đồng/cp nên không thể bán thấp hơn giá trên sàn được.

Nếu không thoái vốn nhà nước ở Viglacera thì rất khó làm. Đây là vấn đề HĐQT tổng công ty rất trăn trở", CEO Gelex chia sẻ.

 Diễn biến giá cổ phiếu VGC 4 năm qua. (Nguồn: TradingView).

Xem thêm tại vietnambiz.vn