Chậm chuyến tại Tân Sơn Nhất: Cảnh báo bài toán vận hành trong mùa cao điểm

Ghi nhận tại sân bay, nhiều chuyến bay nội địa của các hãng lớn như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... bị delay kéo dài từ 1 đến 6 tiếng, thậm chí có chuyến bị dời giờ 3-4 lần rồi bất ngờ hủy chuyến.

Trong đó, trường hợp điển hình như chuyến VN258 từ TP.HCM đi Hà Nội bị dời lịch bay từ 17h đến 23h30, hay chuyến bay VJ1632 TP.HCM - Đà Nẵng chậm từ sáng tới tối. Không ít hành khách bức xúc vì lịch trình cá nhân, công tác bị đảo lộn.

-2924-1745320416.jpg

Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến dây chuyền, thay đổi vận hành đột ngột cùng áp lực cao điểm lễ đang phơi bày điểm yếu hạ tầng và bài toán kinh doanh đầy rủi ro tại sân bay lớn nhất Việt Nam.

Đứt gãy chuỗi dịch vụ mặt đất

Dù nguyên nhân trực tiếp được xác định là thời tiết xấu tại Nội Bài kéo theo chậm chuyến dây chuyền, nhưng giới phân tích cho rằng bài toán vận hành tại Tân Sơn Nhất vốn đã chịu sức ép lớn, nay càng thêm rối ren vì nhiều yếu tố cộng hưởng: việc đưa vào khai thác nhà ga T3 mới, quá trình chuyển đổi dịch vụ mặt đất giữa Vietjet và SAGS, và công tác điều chỉnh kế hoạch bay trước cao điểm lễ.

Cụ thể, từ ngày 20-4, Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - mã SGN) đã chính thức chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất cho Vietjet Air tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vietjet tự thực hiện toàn bộ khâu check-in, bốc xếp hành lý, vận chuyển khách ra máy bay, tương tự mô hình tự vận hành mà hãng đã triển khai ở Nội Bài.

Động thái này đánh dấu một bước đi chiến lược nhằm tự chủ vận hành, giảm chi phí dài hạn cho Vietjet. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự thay đổi đột ngột này đã tạo ra áp lực cực lớn lên hệ thống vận hành vốn đang quá tải, khiến hàng loạt chuyến bay bị delay, gây mất ổn định khai thác.

Về phía SAGS, việc mất khách hàng lớn Vietjet (sau khi đã ngừng hợp tác với Bamboo Airways từ đầu năm) giáng đòn mạnh vào doanh thu ngắn hạn. Công ty lập tức công bố sự kiện bất thường tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời thông báo xây dựng lại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, tập trung tiết giảm chi phí và tìm kiếm khách hàng mới. Cổ phiếu SGN ngay sau đó giảm kịch sàn, mất 6,92% chỉ trong phiên giao dịch sáng 22-4, phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư.

Việc tự vận hành dịch vụ mặt đất ở một sân bay có tần suất khai thác dày đặc như Tân Sơn Nhất đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, nhưng thực tế ban đầu đã cho thấy nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng trễ chuyến lan rộng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho bài toán tự chủ vận hành dịch vụ trong ngành hàng không Việt Nam.

Rủi ro tiềm ẩn

Về thị trường tiêu dùng, thiệt hại kinh tế không chỉ dừng ở doanh thu hãng bay hay nhà ga. Hàng nghìn hành khách bị trễ chuyến, lỡ công việc, lỡ kế hoạch kinh doanh cá nhân, kéo theo thiệt hại không nhỏ về chi phí cơ hội. Một số hành khách phản ánh tình trạng phải hủy cả vé khứ hồi, chịu chi phí phát sinh khách sạn, đi lại. Vietjet đã tung chính sách hỗ trợ bằng e-voucher 500.000 - 1 triệu đồng cho khách bị delay trên 2 giờ, nhưng số tiền này chỉ mang tính "an ủi" chứ khó bù đắp được thiệt hại thực tế.

Ngoài ra, việc khai thác nhà ga T3 mới cũng chưa vận hành trơn tru như kỳ vọng. Nhiều hành khách đi nhầm giữa nhà ga T1 và T3 do thiếu biển chỉ dẫn rõ ràng. Taxi chưa thành thạo đường mới nên phải vòng vèo tới 3km trong khi khoảng cách thực tế để đón khách chỉ hơn 800 mét di chuyển, thiếu hướng dẫn viên tại điểm trung chuyển càng khiến hành khách mệt mỏi, lỡ chuyến. Tình trạng ùn tắc, rối loạn tại nhà ga quốc nội trong thời gian qua cho thấy việc mở rộng hạ tầng mà không đồng bộ về vận hành, logistics, truyền thông hướng dẫn đã tạo ra rủi ro rất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ sân bay.

Về dài hạn, nếu tình trạng này không nhanh chóng khắc phục, các hãng bay, cảng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ mặt đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm niềm tin hành khách, kéo theo hệ lụy tài chính khó lường trong bối cảnh cạnh tranh thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng bay rà soát quy trình khai thác, tăng cường năng lực phục vụ và cam kết đảm bảo quyền lợi hành khách. Nhưng để thực sự vượt qua cú sốc này, ngành hàng không cần một kế hoạch hành động khẩn cấp: tăng cường đầu tư nguồn lực cho nhà ga T3, hoàn thiện quy trình vận hành đồng bộ giữa hãng bay và nhà cung cấp dịch vụ mặt đất, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn hành khách, nhất là trong bối cảnh các thay đổi vận hành lớn như hiện nay.

Một điểm sáng là từ chiều 22-4, tình hình khai thác tại Tân Sơn Nhất bắt đầu ổn định hơn, các chuyến bay dần khởi hành đúng giờ trở lại. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng sự cố lần này một lần nữa cho thấy hệ thống vận hành hàng không Việt Nam, đặc biệt tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, đang chịu áp lực quá tải và cần được đầu tư bài bản hơn, từ năng lực điều phối, hạ tầng sân đỗ đến khả năng phối hợp giữa hãng bay và dịch vụ mặt đất.

Trong dài hạn, với việc nhà ga T3 chính thức đi vào khai thác sau lễ 30-4, kỳ vọng sẽ giảm tải cho T1 và cải thiện đáng kể năng lực vận hành. Tuy nhiên, các hãng bay, sân bay và cơ quan quản lý cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố này: không chỉ đẩy nhanh chuyển đổi hạ tầng, mà còn phải nâng cấp quy trình vận hành, quản lý rủi ro và xử lý sự cố linh hoạt hơn, nhất là trong những giai đoạn cao điểm.

Trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số năm 2024, bài toán "đi trước một bước" về vận hành và chất lượng dịch vụ trở thành yếu tố then chốt nếu các hãng hàng không và sân bay muốn giữ vững đà tăng trưởng, đồng thời duy trì niềm tin hành khách.

Thành An

Xem thêm tại vnbusiness.vn