Chân dung công ty con của PV Trans muốn niêm yết HOSE: Cổ phiếu gấp 10 lần từ đáy
Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics - Mã: PDV) là trường hợp muốn niêm yết mới nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) (nộp hồ sơ ngày 20/11). Gần nhất, Sở đã nhận hồ sơ đăng ký của Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và Xây dựng CDC vào tháng 8.
Cụ thể, PVT Logistics đăng ký niêm yết 66,1 triệu cp, tương đương với giá trị đăng ký niêm yết theo mệnh giá gần 661 tỷ đồng.
Đơn vị này đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 4/2007. Kế hoạch chuyển từ UPCoM sang niêm yết HOSE đã được cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên 2023. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, công ty cho biết hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ đợt hai chưa hoàn thành, nên chưa thực hiện được phương án.
Sau đó, PVT Logistics đã liên tiếp tăng vốn thành công lên thành 431 tỷ đồng vào tháng 11/2023 và 661 tỷ đồng vào tháng 11/2024.
Một số tàu của PVT Logistics. (Ảnh: PVT Logistics).
Trụ sở chính nằm trên đường Võ Thị Sáu, Quận 1, TP HCM. Ngoài ra, hiện công ty còn đặt thêm các chi nhánh/văn phòng đại diện tại các khu vực gồm Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Hải Phòng, miền Tây Nam Bộ. Địa bàn hoạt động bao gồm: Hải Phòng, Vũng Tàu, TP HCM.
PVT Logistics chủ yếu kinh doanh vận tải biển; vận tải bằng ô tô; vận tải thủy; dịch vụ môi giới hàng hải; cung ứng tàu biển; cho thuê phương tiên bận tải... Số lượng nhân viên tại 30/9 là 404 người, tăng so với 390 người vào cuối 2023.
Báo cáo kiểm toán 2023 cho thấy trong cơ cấu doanh thu, dịch vụ vận chuyển chiếm 72%, mảng thương mại chiếm 25%, còn lại là hoạt động khác. Qua 9 tháng đầu năm nay, tỷ trọng dịch vụ vận chuyển tăng lên 79%, trong khi thương mại thu hẹp về 20%.
Về kết quả kinh doanh, PVT Logistics đạt hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm và có xu hướng tăng dần từ 2021 đến nay. Riêng 2023, doanh thu lần đầu vượt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp năm 2023 giảm so với 2022, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ bằng phân nửa (64 tỷ đồng so với 125 tỷ đồng).
Qua 9 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt 1.025 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16% lên 19%. Lợi nhuận 9 tháng tăng vọt lên 223 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Theo báo cáo phân tích mới đây của BSC Research, kết quả kinh doanh đi lên đến từ giá cước tàu tiếp tục neo cao, thay đổi tỷ trọng các mảng kinh doanh hỗ trợ biên lợi nhuận và ghi nhận khoản thu nhập 154 tỷ đồng từ bán tàu Synergy.
So với kế hoạch cả năm 2024, công ty đã thực hiện 82% về doanh thu, 3,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản tại thời điểm 30/9 đạt gần 1.900 tỷ đồng, cao hơn 42% so với đầu năm. Mức tăng tài sản chủ yếu đến từ khoản mục ngắn hạn như tiền và tương đương, đầu tư tài chính, các khoản phải thu. Phân nửa tài sản nằm ở tài sản cố định hữu hình, với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo cho biết sau đợt tăng vốn năm 2024 sẽ tranh thủ đầu tư, mua tàu trong lúc giá tàu đang ở giai đoạn phù hợp, nhằm nâng năng lực vận tải và sức cạnh tranh thị trường.
Trong đó, công ty dự định đầu tư 1tàu dầu/hóa chất 19.000 - 25.000 DWT hoặc tàu hàng rơi khoảng 25.000 - 75.000 DWT; đầu tư 2 tàu gồm 1 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 190.000 - 25.000 DWT thuộc kế hoạch năm 2023 chuyển tiếp sang. Tiền bán tàu Synergy sẽ dùng cho nguồn vốn nâng cấp đội tàu.
Nợ phải trả tại cuối tháng 9 là 863 tỷ đồng, cao hơn 20% so với đầu năm, chủ yếu do tăng vay dài hạn, ghi nhận hơn 560 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chưa đến 100 tỷ đồng. Hệ số nợ trên tổng tài sản thu hẹp từ 0,55 lần tại cuối 2023 về 0,46 lần.
Về chính sách cổ tức, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 6%, 8% và 10%.
Chiến lược phát triển đến 2025, PVT Logistics xác định dịch vụ vận tải dầu/hóa chất, dịch vụ vận tải hàng rời là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh chuyển từ UPCoM sang niêm yết sàn HOSE, công ty cũng dự định tăng vốn điều lệ đến 2025 lên thành 740 tỷ đồng (hiện đạt 661 tỷ đồng).
Tổng doanh thu 2025 kỳ vọng đạt 1.398 tỷ đồng năm 2025, lợi nhuận sau thuế dự kiến 120 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến 22 triệu USD (khoảng 550 tỷ đồng), bằng với 2024 và dùng để mua tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 19.000 - 25.000 DWT.
Theo BSC Research, kết quả kinh doanh quý IV của đơn vị này dự kiến tăng trưởng nhờ bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ có 1 tàu dầu hoá chất hết hạn hợp đồng.
Triển vọng năm 2025 sẽ đến tăng trưởng đội tàu hàng rời và tác động các hợp đồng ký mới giá tốt từ cuối năm 2024 bù đắp cho mức giảm của mảng vận tải dầu TP/hoá chất khi bán tàu Synergy.
Mảng vận tải hàng rời được hưởng lợi từ việc chốt giá cước tốt vào cuối năm 2024. Doanh thu tàu hàng rời tăng trưởng 79% nhờ đóng góp của 3 tàu hàng rời mới đi vào khai thác cuối trong nửa cuối 2024, tương ứng tăng 133% tổng trọng tải đội tàu hàng.
Biên lợi nhuận hoạt động được dự phóng tăng 2 điểm % so với cùng kỳ nhờ nguyên vật liệu đầu vào bao gồm giá dầu giảm và không có tàu lên dock trong 2025, giúp giảm chi phí.
Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng rủi ro biến động giá cước sẽ tác động đáng kể đến kỳ vọng kết quả kinh doanh và định giá của doanh nghiệp, trong bối cảnh tình hình địa chính trị bất ổn.
Trên thị trường UPCoM, PDV đang được giao dịch quanh 16.100 đồng/cp vào chiều 27/11 (đến 14h). Cổ phiếu đã tăng 84% qua một năm, với khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 54.000 đơn vị.
Nếu so với đáy 1.650 đồng/cp từng lập vào năm 2020, thị giá hiện tại gấp gần 10 lần (theo giá đã điều chỉnh).
Xem thêm tại vietnambiz.vn