Chân dung công ty CP Thắng Phương - cổ đông chiến lược mới lộ diện của Eximbank

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) từng là tâm điểm của giới tài chính trong giai đoạn 2020-2021 khi liên tục tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và bất thường nhưng không thành công do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.

Đến năm 2022, Eximbank mới tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 sau 11 lần thất bại. Trong cùng năm, các cổ đông lâu năm như VinaCapital, Thành Công Group, Âu Lạc và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo thoái toàn bộ vốn.

Chân dung công ty CP Thắng Phương - cổ đông chiến lược mới lộ diện của Eximbank - ảnh 1
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) từng là tâm điểm của giới tài chính trong giai đoạn 2020-2021 khi liên tục tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và bất thường nhưng không thành công do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.

Kể từ đó, cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng đã tiết lộ danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại ngày 1/7/2024 theo quy định mới, hé lộ những cái tên đình đám.

Eximbank không có cổ đông lớn (sở hữu trên 5% vốn), cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã: GEX) với tỷ lệ sở hữu 85,5 triệu đơn vị, tương đương 4,9% vốn. Tiếp theo, Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã: VIX) nắm 62,3 triệu đơn vị, ứng 3,58%; Công ty cổ phần Thắng Phương sở hữu 53,4 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,07%. 2 cổ đông nắm trên 1% vốn còn lại là Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú. Ngoài ra, đối tượng liên quan bà Lê Thị Mai Loan còn nắm 19.540 đơn vị, tỷ lệ 0,0011%.

Bà Lê Thị Mai Loan và CTCP Thắng Phương có liên quan đến nhóm Bamboo Capital. Bà Loan từng là Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting, cựu thành viên BKS của Bamboo Capital, và Phó Chủ tịch thường trực CTCP BCG Land.

Bà Loan từ nhiệm các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022 và rời vị trí thành viên HĐQT Eximbank đầu năm 2024. Hiện ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch Bamboo Capital, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Về CTCP Thắng Phương thành lập ngày 25/4/2006 có trụ sở chính tại tầng 19, Khu Văn phòng Tòa Nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Vào tháng 1/2017, Thắng Phương có vốn điều lệ đạt 10 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm Huỳnh Thị Hồng Hạnh 70% và Phạm Thị Ngọc Thanh góp 30%. Đến tháng 8/2017, doanh nghiệp tăng vốn lên 50 tỷ đồng, trong đó CTCP Xuất khẩu Lao động Tracodi góp 18%, Huỳnh Thị Hồng Hạnh góp 57,4%, Phạm Thị Ngọc Thanh góp 24,6%.

Trong đó, Tracodi trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) - doanh nghiệp là công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital đảm nhận mảng xây dựng - hạ tầng.

Thắng Phương nhiều lần thay đổi dại diện pháp luật, tại tháng 5/2020, đại diện pháp luật của Thắng Phương là bà Huỳn Thị Kim Tuyến (SN 1966). Dữ liệu cho thấy, bà Huỳnh Thị Kim Tuyến còn là đại diện tại CTCP White Magnolia; Công ty TNHH Pegas và CTP Artemis Investment...

Eximbank đã trải qua nhiều năm biến động trong bộ máy lãnh đạo ngân hàng, sau khi các nhóm cổ đông không đi đến thống nhất. Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Năm nay, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ. Nhà băng dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8% - mức ngang 2022.

Lợi nhuận 2023 của ngân hàng là 2.146 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Eximbank còn 1.949 tỷ lợi nhuận để lại lũy kế đến 31/12/2023. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn