Chăn nuôi vẫn khó tứ bề, 'không gian' sản xuất ngày càng thu hẹp

Tại Hội nghị phát triển ngành chăn nuôi lợn bền vững vào ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Minh, Cố vấn mảng Farm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi.

Nhiều vướng mắc trong đầu tư trang trại

Cụ thể là diện tích đầu tư xây dựng đối với trang trại lớn đang bị khống chế theo các quy định pháp luật trong khi đầu tư chăn nuôi công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn. Thêm vào đó, việc thu hẹp quỹ đất dành cho chăn nuôi, đặc biệt ở các khu vực miền núi, cũng hạn chế khả năng phát triển các trang trại công nghệ cao quy mô lớn.

Doanh nghiệp hiện đang mong muốn phát triển trang trại công nghệ cao 6 tầng và cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để chuẩn bị hồ sơ một cách thuận lợi, thay vì bị giới hạn bởi quy định về quỹ đất lớn như hiện nay, điều này khiến việc triển khai dự án bị kéo dài.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp Tây Ninh, cũng nhận định rằng một số quy định về khoảng cách chăn nuôi hiện nay đang làm khó các nhà đầu tư.

-8984-1723623244.jpg

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ mới thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Khoảng cách giữa các trang trại theo Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT hiện đang được quy định rất gần nhau, nhưng lại không có cơ sở pháp lý để mở rộng khoảng cách lên 500m. Vấn đề này cũng tồn tại trong trường hợp các trang trại gần khu dân cư, nơi quy định cách 500m, nhưng lại không cấm việc xây dựng nhà ở trong khoảng cách này, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi phải chịu thế bị động.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước đã đề xuất mật độ chăn nuôi là 1.5 ĐVN/ha (đơn vị vật nuôi trên ha đất nông nghiệp) nhưng bị từ chối bởi cơ quan quản lý Trung ương do lo ngại không thể kiểm soát được. “Đây đang là một bất cập trong chăn nuôi lợn tại địa phương”, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết.

Một vấn đề khác được đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An nêu ra là về việc xếp hạng các trang trại. Nhiều doanh nghiệp từng được xếp vào loại trang trại quy mô lớn theo Luật Chăn nuôi cũ, nhưng sau khi luật được điều chỉnh, những trang trại này lại bị coi là quy mô nhỏ, làm phát sinh khó khăn trong việc tuân thủ các quy định pháp lý.

Ngoài ra, Luật Thú y đã bỏ bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể cho kiểm dịch bằng vận chuyển, gây ra tình trạng không có lực lượng kiểm soát, và không thể ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Tình trạng này đã khiến tỉnh Nghệ An không thể xây dựng các khu vực chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trước những thực trạng này, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng cần tìm cách để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả hơn, đảm bảo người chăn nuôi có lãi và môi trường phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh rằng các quy định hiện tại về mật độ, khoảng cách trong luật Chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường nếu áp dụng vào thực tiễn sẽ khiến cho doanh nghiệp và HTX, kể cả có đất, phải mất tới hai năm mới có thể xây dựng được trang trại.

-9546-1723623244.jpg

Người dân, HTX, doanh nghiệp đang vướng nhiều rào cản trong quy định chăn nuôi nên khó đầu tư phát triển lâu dài.

Không gian phát triển chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang dần thu hẹp do lượng thịt nhập khẩu ngày càng tăng, gây áp lực lớn lên ngành chăn nuôi trong nước. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của chăn nuôi trong nước mà còn gây khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nội địa, đặc biệt khi phải đối mặt với tình trạng nhập lậu thịt.

Do đó, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng muốn phát triển chăn nuôi lợn bền vững, thì phải xem xét người chăn nuôi có thực sự được hưởng lợi từ nghề này hay không. Cùng với đó, phải xem người tiêu dùng có được hưởng chất lượng cao, giá phù hợp khi mua và sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn hay không?

Bên cạnh đó, đánh giá tác động, kiểm soát môi trường của các trang trại chăn nuôi là quan trọng nhưng phải phù hợp. Không thể tuyệt đối hóa mùi tại các cơ sở chăn nuôi. Những quy định yêu cầu trang trại cách khu dân cư… 100m tuyệt đối không có mùi là xa rời thực tiễn, là máy móc. “Mùi chăn nuôi là mùi thân thuộc và hoàn toàn tự nhiên mà các trang trại ở các nước lớn dù đầu tư hiện đại vẫn có”, TS Nguyễn Xuân Dương dẫn chứng.

Mở không gian phát triển

Dưới góc độ doanh nghiệp, Ts Nguyễn Văn Tuế, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết Dabaco có giai đoạn cứ bán 1 con lợn lại lỗ một con nhưng cũng có giai đoạn bán một con lợn thì lãi một con. Điều này cho thấy, thị trường có vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi.

Vậy nhưng xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện chưa khởi sắc vì chưa tạo được vùng an toàn dịch bệnh. Chiến lược phát triển chăn nuôi hiện nay có nói quy hoạch chăn nuôi thành các vùng tập trung. Tuy nhiên khi phát triển thành các vùng tập trung thì rủi ro lây bệnh cao do trại liền trại, liền đường dễ dẫn đến xóa sổ các vùng chăn nuôi lớn.

“Thay vào đó nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào những vùng sâu vùng xa để xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn, khả năng cách ly cao. Bên cạnh đó, cần khớp nối các trang trại lớn ở các địa phương để liên kết phục vụ xuất khẩu thuận lợi”, Ts Nguyễn Văn Tuế đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho biết việc vận chuyển các chất thải chăn nuôi để xử lý theo yêu cầu đang bị rơi vào các quy định xả thải. Do đó rất mong bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp vận chuyển đến nơi tập trung, sản xuất thành phân bón một cách thuận lợi.

Cục Thú y cũng cần cấp chuỗi an toàn sinh học kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp có thể áp dụng một cách đồng bộ thì mới đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Trước thực trạng của ngành chăn nuôi lợn, theo Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, từ nay đến cuối năm, nếu đảm bảo an toàn thực phẩm, đưa ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định sẽ góp phần không nhỏ trong bình ổn CPI.

Do đó, việc đầu tiên cần làm là tập trung vào chống buôn lậu, nhất là gia cầm lậu ở phía Bắc và phía Nam. Đi liền với đó là rà soát khâu nhập khẩu vì dù trong thời kỳ hội nhập, Việt Nam vẫn phải thể hiện các hiệp ước thương mại nhưng Việt Nam không phải là “bãi chiến trường” nhập thịt lợn.

Việc cần làm lúc này là phải phát triển vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Hiện giá thức ăn chăn nuôi đã giảm, giá lợn cơ bản ổn định nhưng phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Muốn vậy cần tập trung phát triển vùng trồng ngô, vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên theo hướng năng năng suất, diện tích.

Đặc biệt, muốn chăn nuôi bền vững, vấn đề liên kết theo chuỗi là quy luật tất yếu. Vì chỉ có tham gia chuỗi mới sản xuất được tuần hoàn, và chỉ có chăn nuôi tuần hoàn mới giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho HTX, doanh nghiệp.

“Mô hình Nhà nước, HTX, người dân, doanh nghiệp là một hệ sinh thái bền vững cần phát huy để vừa phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm”, Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Một vấn đề được Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến hết sức quan tâm đó là khâu giết mổ nhỏ lẻ vẫn tăng cao. Do đó, cần hướng đến mỗi xã phải có một cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại mới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó thúc đẩy công nghiệp hóa.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Xuân Dương cho rằng vấn đề giết mổ tập trung không thể không làm. Bởi Chính phủ đang hướng đến năm 2030, đưa Việt Nam cơ bản đạt tiêu chí của nước công nghiệp nhưng hiện, giết mổ tập trung mới chỉ chiếm khoảng 15-20% cơ sở giết mổ. Trong khi công nghiệp là cơ sở để đánh giá sự văn minh của ngành chăn nuôi. Việt Nam nên học hỏi Trung Quốc bởi nếu giết mổ nhỏ lẻ, không có giấy phép sẽ bị coi là tội phạm tại đất nước tỷ dân.

Bên cạnh đó, vấn đề thuế VAT 5% đang trở thành rào cản đối với hoạt động giết mổ tập trung công nghiệp. Trong khi đây vốn là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm nội địa một cách hiệu quả.

Huyền Trang

Xem thêm tại vnbusiness.vn