Chất lượng nợ của nhóm khách hàng lớn tại MB ra sao?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của MB, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần tại MB đạt 19.593 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 19.708 tỷ đồng trong quý II/2023. Trong cơ cấu thu nhập lãi thuần, thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 33.213 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ; chi phí lãi và các khoản tương tự cũng giảm 9,9% xuống còn 13.620 tỷ đồng.

Tổng thu nhập lãi của MB giảm gần 5% trong bối cảnh tổng dư nợ cho vay khách hàng đến 30/6/2024 đạt 673.799 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Chi phí lãi cũng giảm 10% trong bối cảnh tổng tiền gửi khách hàng tính đến 30/6/2024 tăng 9% lên mức 618.617 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc hạ lãi suất huy động đã kéo lãi suất cho vay giảm theo khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi tại MB bị ảnh hưởng. Do đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm.

Về nợ xấu, tính đến ngày 30/6, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng nhẹ so với cuối năm 2023 từ mức 3.210.741 triệu đồng lên 3.665.451 triệu đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng từ 3.704.226 triệu đồng lên 4.816.496 triệu đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm nhẹ từ mức 2.889.691 (cuối quý năm ngoái) còn 2.541.101 triệu đồng.

-6776-1723108083.jpg

Đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của MB là 1,5% đối với ngân hàng riêng lẻ và dưới 1,7% hợp nhất (Ảnh minh họa)

Trong 6 tháng đầu năm, MB cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10.726 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng nhẹ 5% so với cùng kỳ.

Chất lượng nợ cũng là vấn đề được các cổ đông MB quan tâm. Tại Hội nghị nhà đầu tư được tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB cho biết, kết thúc quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng lên cao (2,49%), tuy nhiên, sang đến quý II, nợ xấu đã được kiểm soát trở lại xuống còn 1,5% đối với ngân hàng riêng lẻ và dưới 1,7% đối với toàn tập đoàn.

Theo Phó Tổng Giám đốc MB, nợ xấu liên đới từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã tác động rất lớn đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng trong quý đầu năm, tuy nhiên, đến quý II, chênh lệch giữa nợ xấu do ngân hàng tự phân loại và nợ xấu cộng thêm cả phần liên đới từ CIC đã được rút ngắn xuống chỉ còn 0,1-0,2%.

Về nợ cơ cấu theo Thông tư 02, nợ cơ cấu chiếm 0,59% tổng dư nợ cho vay và trái phiếu, lãi dự thu chiếm tỷ trọng rất nhỏ, ngân hàng đã tiến hành phân loại trích lập dự phòng đầy đủ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

“Nợ xấu cơ bản đến từ các nhóm khách hàng, chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân, chiếm tỷ trọng khoảng 80%, còn lại 20% nợ xấu đến từ khách hàng doanh nghiệp, dàn trải chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Hà cho biết.

Đối với các khoản cho vay nhóm khách hàng lớn của MB là Novaland, Trung Nam, Sungroup và Vingroup, nhà đầu tư cũng rất quan tâm và đặt câu hỏi về dư nợ đến thời điểm cuối quý II ra sao?

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết, chất lượng nợ liên quan đến một số khách hàng lớn của MB bao gồm Novaland, Trung Nam, Sungroup và Vingroup vẫn ở mức tốt.

Cụ thể, với nhóm Trung Nam, dư nợ của nhóm này đã giảm thêm khoảng 2.000 tỷ đồng so với năm ngoái. “MB chỉ tập trung cho vay các dự án điện mặt trời, các dự án này đang vận hành theo đúng tiến độ, có giá FiT 7, nghĩa là giá tốt trong giai đoạn trước, dòng tiền đảm bảo trả nợ cho MB, do đó MB không xếp vào nhóm nợ xấu cho hai dự án này", Chủ tịch MB nói.

Đối với Novaland, ông Thái thông tin, dư nợ của công ty đã giảm 1.500 tỷ đồng từ năm ngoái. Hiện MB chỉ cho vay 3 dự án là ở Phan Thiết, Vũng Tàu và dự án Aquacity tại Đồng Nai. Cả 3 dự án đều đang tiến triển tốt và là một trong những dự án được Chính phủ tháo gỡ khó khăn.

“Đối với MB, chúng tôi không có vấn đề về dòng tiền trả nợ của Novaland trong năm nay. Sang năm sau, dự án ở Phan Thiết và Đồng Nai sẽ có triển vọng hoàn chỉnh được hồ sơ, hoàn chỉnh được nội dung, phương án kinh doanh. Riêng dự án Aquacity, chúng tôi kỳ vọng năm nay sẽ có được các thủ tục cần thiết để triển khai”, ông Thái nói.

Theo tìm hiểu của VnBusiness từ dữ liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Novaland cho thấy, tính đến thời điểm 30/6/2024, ngoài khoản vay tại MB là 2.458,96 tỷ đồng, doanh nghiệp này còn có nhiều khoản nợ trái phiếu lên đến hàng nghìn tỷ đồng do Công ty CP Chứng khoán MB làm đại lý phát hành.

Chẳng hạn, tại thời điểm 30/6/2024, Novaland có một khoản nợ trái phiếu ngắn hạn trị giá 23 tỷ đồng và khoản nợ trái phiếu dài hạn trị giá 1.000 tỷ đồng do MB Chi nhánh Bắc Sài Gòn nắm giữ, với tổng mệnh giá 657 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 6/2025.

Khoản dư nợ vay trái phiếu dài hạn trị giá 1.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024 là dư nợ còn lại trong khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu cho MB Bank Chi nhánh Bắc Sài Gòn có tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng với 4 gói trái phiếu.

Trong đó, 2 gói trái phiếu số 3 và 4 với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng đã đáo hạn vào năm 2022 và 2023. Gói trái phiếu số 1 trị giá 500 tỷ đồng, thời hạn 48 tháng, đạo hạn vào năm 2025.

Đáng chú ý, theo Novaland, gói trái phiếu số 2 trị giá 500 tỷ đồng theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 9/2024, tuy nhiên đã được đồng ý gia hạn đến tháng 9/2026.

Riêng với nhóm khách hàng Sun Group, Chủ tịch MB khẳng định ngân hàng không có khó khăn liên quan đến cân đối tài sản bảo đảm và nguồn trả nợ của doanh nghiệp.

“Hiện nay, các dự án chúng tôi chủ yếu tập trung cho vay Sun Group là những dự án liên quan đến du lịch như dự án Fansipan hay dự án Bà Đen. Đây là những dự án có số lượng khách hàng ổn định, dòng tiền đều đặn. Một số dự án bất động sản của Sun Group, chúng tôi cũng có tham gia nhưng quy mô tín dụng thấp”, ông Thái nói.

Với Vingroup, lãnh đạo MB khẳng định kiểm soát khá chặt chẽ, chỉ tập trung cho vay những dự án có pháp lý đầy đủ và được triển khai ở sản phẩm cuối cùng.

“Hầu hết các dự án làm việc với Vingroup, chúng tôi nhận thấy họ trả nợ rất nhanh vì tốc độ bán hàng rất gấp. MB cũng giới hạn quy mô đầu tư vào nhóm 4 doanh nghiệp này một cách rất chặt chẽ. Tài sản đảm bảo luôn gấp 3 lần quy mô cho vay”, ông Thái nói.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn