Chất lượng tài sản ngân hàng chuyển biến tích cực nhưng cần thận trọng
Sau khi tăng vọt lên 2,12% vào quý II/2024, tỷ lệ hình thành nợ xấu đã giảm đáng kể ở các ngân hàng xuống còn 1,22% trong quý III/2024, ngoại trừ Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Quân đôi (MBB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB).
Trong 3 quý đầu năm 2024, các ngân hàng đã xử lý 73,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu từ VPBank (19,4 nghìn tỷ đồng), Vietinbank (17,4 nghìn tỷ đồng), BIDV (15,9 nghìn tỷ đồng) và MBB (7,1 nghìn tỷ đồng), chiếm 0,84% tổng dư nợ khách hàng. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận.
Mặc dù đã tích cực xử lý nợ xấu nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao, dao động ở mức 2% tại quý III/2024, chủ yếu ở các ngành như: Vật liệu xây dựng, Xây dựng, bất động sản (chủ đầu tư và cho vay mua nhà), Thương mại và sản xuất.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), khả năng thanh toán nợ vẫn còn yếu, điều này ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong quý IV/2024 và giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,9% vào cuối năm 2024.
Điều đáng chú ý là chi phí tín dụng nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ hình thành nợ xấu kể từ quý III/2022, điều này thường sẽ ám chỉ dự phòng sẽ tăng trong thời gian tới.
Với sự quyết tâm của Chính phủ để giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, SSI Research kỳ vọng, một số dự án pháp lý chưa hoàn thiện sẽ được giải quyết và tái xây dựng vào năm 2025, từ đó, sẽ hỗ trợ ngân hàng trong việc thuyết phục người mua nhà trả nợ.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là vấn đề về dòng tiền của chủ đầu tư bất động sản và niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư. Nếu chủ đầu tư tiếp tục không hoàn thiện được hợp đồng mua bán và/hoặc không bàn giao nhà đúng tiến độ, nợ xấu nhóm khách hàng cá nhân có thể sẽ tăng.
Dự báo, thị trường bất động sản miền Bắc phục hồi và việc mở bán nhiều dự án mới trong năm 2025 sẽ cải thiện tâm lý thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư mới – đặc biệt là ở miền Nam. Khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ biến động trong nửa đầu năm 2025, trước khi dần cải thiện xuống còn 1,78% trong nửa cuối năm 2025.
Bộ đệm dự phòng nợ xấu của các ngân hàng cũng đang mỏng dần, chỉ tương đương mức trước COVID-19, khiến các ngân hàng phải duy trì chi phí trích lập dự phòng ở mức cao để bảo vệ tài sản. Trong quý III/2024, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đạt khoảng 250 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 2,25% so với quý trước.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ có bộ đệm dự phòng thấp hơn, nhưng vẫn phải đối mặt với áp lực duy trì chi phí trích lập dự phòng cao. Điều này cho thấy bức tranh nợ xấu của ngành Ngân hàng còn nhiều áp lực, đòi hỏi các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn