'Chén nước chấm' đắt giá nhất sàn chứng khoán 'lên hương' sau 2 năm tinh chiết
Vốn hóa Masan Consumer áp sát vị trí Top 10 của Tập đoàn Vingroup
Sau nhịp chiết khấu 50% kể từ tháng 8/2021 đến cuối tháng 4/2023, cùng với tín hiệu tích cực của thị trường, cổ phiếu CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã MCH - UPCoM) quay trở lại chu kỳ tăng giá mới.
Từ mức giá gần 58.000 đồng cách đây hơn 13 tháng, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu MCH đã tăng 280% và đóng cửa phiên 6/6 tại mức 218.000 đồng. Cùng với vị thế của các dòng tiền lớn, khối lượng giao dịch ở cổ phiếu MCH cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ thời điểm ra mắt thị trường chứng khoán.
Tăng gần 4 lần chỉ sau hơn 1 năm, cổ phiếu MCH xác lập vị thế đầu tầu về tăng trưởng cũng như giá trị ở nhóm bán lẻ/tiêu dùng cũng như trên toàn thị trường. Thậm chí, mức vốn hóa hơn 156.400 tỷ đồng (bằng vốn hóa của MSN, MSR, NET, MML, VCF cộng lại) hiện tại đã giúp vươn lên Top 11 về vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán - áp sát vị trí Top 10 của Tập đoàn Vingroup (Mã VIC).
Diễn biến giá cổ phiếu MCH |
Được biết, Masan Consumer đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và chia cổ tức năm tài chính 2023 bằng tiền mặt 10.000 đồng/cp (lợi suất cổ tức 7,2%).
Cổ phiếu MCH ra mắt sàn UPCoM đầu tháng 1/2017 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Trong 1 năm gần nhất, MCH ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân chỉ hơn 60.000 đơn vị/phiên. Tuy nhiên, con số này đã tăng 3 lần trong 1 tháng gần nhất.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5, ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan Group, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Masan Consumer, đã nói về kế hoạch huy động vốn trong năm nay. Theo vị lãnh đạo, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm liên tục trong 6-7 năm qua, đã đến lúc Masan Consumer phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng.
“Hiện tôi có thể nói dựa trên ước tính của chúng tôi rằng việc IPO Masan Consumer Holdings là top 2 vấn đề hàng đầu của Masan Consumer. Trên UPCoM, cổ phiếu MCH hiện đang giao dịch ở dưới giá trị nội tại. Do đó, tôi cho rằng việc IPO Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá của các cổ phiếu Masan”, ông Danny Le chia sẻ.
Trước đó, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Tập đoàn Masan đang hợp tác với các nhà tư vấn tài chính liên quan đến vấn đề IPO của Masan Consumer Holdings. Thương vụ này có thể huy động từ 1-1,5 tỷ USD.
Các nguồn tin cho biết thêm, đợt bán cổ phiếu có thể diễn ra vào đầu năm sau nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và các chi tiết như quy mô và thời gian có thể thay đổi.
Không phải ngẫu nhiên Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo" của Tập đoàn Masan
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Masan, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang từng nhấn mạnh, Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Đây là "đại sứ ẩm thực" được Masan mang ra thế giới, tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.
Lợi nhuận sau thuế của MCH đã liên tục tăng trong 6 năm gần nhất |
Quý I/2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu 6.580 tỷ đồng - tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.669 tỷ - tăng 20,2%. Tổng tài sản của công ty duy trì trên mức 40.000 tỷ đồng trong đó gần 8.200 tỷ đồng là các khoản tiền mặt/tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. Riêng khoản tiền này đã mang về cho MCH gần 350 tỷ đồng thu lãi tiền gửi và đầu tư chứng khoán kinh doanh (trái phiếu).
Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức gần 28.100 tỷ đồng trong đó 17.770 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng tiết lộ, Masan Group có ý định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Consumer (Masan Consumer Holdings) trong thời gian tới, hiện thực hóa chiến lược "Go Global" với mục tiêu hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc MCH Trương Công Thắng, công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7 (đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty).
Dư địa mở rộng thị phần trong thời gian tới còn nhiều và mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu.
Vị lãnh đạo đồng thời nhấn mạnh, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín...
Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước chấm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn