Chỉ sau 5 tuần cổ đông nhiều doanh nghiệp hân hoan nhận "lì xì" với giá cổ phiếu nhân gấp 2-3 lần, hơn nửa nhóm VN30 tăng vượt xa lãi gửi tiết kiệm cả năm

Đứng đầu danh sách là CTCP Thiết bị điện Miền Bắc (Upcom: NEM), dù mới lên sàn từ ngày 5/1 và có giao dịch đầu tiên vào ngày 15/1 nhưng cổ phiếu này đã có mức tăng trưởng ấn tượng với giá cổ phiếu ngày 7/2 là 63.900 đồng/cp, tăng 526%. Cổ phiếu NEM đã có chuỗi tăng trần 13 phiên liên tiếp từ 15/1 đến 31/1, công ty giải thích đà tăng trên là do cung cầu của thị trường chứng khoán và theo nhu cầu giao dịch mua bán của các nhà đầu tư trên thị trường.

Hiện nay, bà Trần Thị Thu Thủy, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đang sở hữu gần 3,2 triệu cổ phiếu NEM, tỷ lệ sở hữu 35,98%; bà Nguyễn Thị Phương - thành viên HĐQT sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 26,26% và bà Vũ Thị Thư sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 26,04%. 

Đứng thứ 2 cũng là 1 cổ phiếu mới niêm yết trên sàn Upcom, cổ phiếu D17 của CTCP Đồng Tân đã tăng vọt từ 22.000 đồng/cp lên 91.700 đồng/cp, tăng 317% với chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp từ 17/1 đến 30/1. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch cổ phiếu mỗi phiên của D17 chỉ trong khoảng 100 - 200 cổ phiếu. 

Ngoài ra, còn cổ phiếu của CTCP Sách và Thiết bị Trường học Đà Nẵng (BED) tăng 154%, CTCP CNC Capital Việt Nam (KSQ) tăng 137% và CTCP B.C.H (BCA) tăng 108%. Tổng cộng có 5 cổ phiếu đã tăng hơn 100% từ đầu năm đến trước Tết Nguyên Đán.                                                             

Ăn mừng Tết Nguyên Đán, cổ đông nhiều doanh nghiệp hân hoan nhận

Các cổ phiếu có thị giá tăng cao nhất từ đầu năm tới Tết Nguyên Đán 2024

Lên sàn Upcom từ ngày 11/1 và tăng trần liên tiếp 4 phiên đầu tiên từ ngày lên sàn, CTCP Hợp Nhất (AAH) đã tăng 77% từ đầu năm đến nay.

CTCP Hợp nhất là một trong những đơn vị khai thác và thương mại than đứng đầu tỉnh Bắc Giang với lịch sử 15 năm. Sản lượng than hàng năm của Công ty là khoảng 180 triệu tấn than thương phẩm. Trữ lượng than địa chất được cấp phép là 4.177.004 tấn.

Trong danh sách 20 cổ phiếu tăng cao nhất, có 2 cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE, bao gồm CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP). Trước đó, hơn 40,4 triệu cổ phiếu QNP chính thức "chuyển nhà" từ HNX sang HoSE vào ngày 18/1/2024, và tăng trần liên tiếp 11 phiên. Tính đến Tết Nguyên Đán, cổ phiếu QNP đã tăng 98,69%.

QNP ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2023. Cụ thể, năm 2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận 938 tỷ đồng doanh thu, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 112,3 tỷ đồng, tăng 154% so với năm 2022.

Ngoài ra, cổ phiếu sàn HoSE còn lại là CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) với mức tăng 51% từ đầu năm tới Tết Nguyên Đán.

Ăn mừng Tết Nguyên Đán, cổ đông nhiều doanh nghiệp hân hoan nhận

Diễn biến cổ phiếu nhóm VN30 từ đầu năm tới Tết Nguyên Đán 2024

Trong nhóm VN30, VietinBank (CTG) dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giá cổ phiếu với giá tại ngày 7/2 là 35.500 đồng/cp, tăng 31% so với đầu năm. 

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng gần như chiếm trọn top 10 ngoại trừ vị trí thứ 3 với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) khi giá cổ phiếu GVR đã tăng 19,6% từ đầu năm.

Công bố BCTC quý 4/2023 với kết quả kinh doanh của năm 2023 giảm mạnh khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc Thế giới di động (MWG) phải lao vào cuộc chiến giá rẻ. Doanh nghiệp bán lẻ này ghi nhận doanh thu giảm hơn 11% so với năm 2022, xuống gần 118.280 tỷ đồng. Lãi ròng chỉ đạt gần 168 tỷ đồng, "bốc hơi" đến 96% so với năm 2022 và chỉ thực hiện vỏn vẹn 4% mục tiêu cả năm đề ra. Thế nhưng, giá cổ phiếu MWG vẫn tăng 8,9% tính từ đầu năm 2024.

Có 7 doanh nghiệp nhóm VN30 có giá cổ phiếu giảm, trong đó, có 1 ngân hàng là SeABank (SSB) và cả 3 cổ phiếu họ nhà Vin gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Cổ phiếu VN30 giảm mạnh nhất là Sabeco (SAB) với mức giảm 8,3% tính từ đầu năm.






Xem thêm tại cafef.vn