Chi tiết kế hoạch đi ngầm xuyên qua siêu sân bay Long Thành của đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Theo báo Đồng Nai, ngày 4/11, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tiến hành khảo sát thực tế vị trí xây dựng nhà ga thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại khu vực sân bay Long Thành. Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI), một trong các thành viên của liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án này đã trình bày phương án hướng tuyến và vị trí xây dựng nhà ga đường sắt tốc độ cao trong khu vực sân bay.
Dự kiến xây ga ngầm đi qua sân bay Long Thành. Ảnh minh họa |
Theo đại diện TEDI, theo quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi giữa trục chính của sân bay Long Thành. Đoạn tuyến dài khoảng 40m phía trước các nhà ga T1 và T2 sẽ được thiết kế ngầm dưới trục đường chính của sân bay, nhằm phối hợp với các tuyến taxiway và đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đoạn đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Đồng Nai sẽ có tuyến kết nối vào trục chính sân bay Long Thành hướng về ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. HCM) và thêm một nhánh rẽ phải dọc theo đường Vành đai 4 TP. HCM để kết nối với ga hàng hóa Trảng Bom, phục vụ trung chuyển hàng hóa.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh: ACV |
Về vị trí đặt nhà ga, đại diện TEDI cho biết nhà ga đường sắt tốc độ cao sẽ được đặt ngay trước nhà ga T1 của sân bay Long Thành, đảm bảo tính đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác. Vì hướng tuyến đi ngầm, dự án sẽ xây dựng các cầu thang lên vỉa hè trục chính của sân bay, kết nối với nhà ga T1 qua cầu đi bộ.
Tổng Giám đốc TEDI, ông Đào Ngọc Vinh, cho biết tuyến đường sắt tốc độ cao, dù xây dựng sau sân bay Long Thành, sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay. Ông nhấn mạnh rằng với bề rộng 125m của trục chính, đoạn đường sắt dài 40m đi ngầm sẽ được thi công theo phương pháp đào hở, không gây gián đoạn cho quá trình khai thác sân bay.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm của giao thông Việt Nam được triển khai trên diện tích đất rộng 5.000ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2026, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, hoạt động với công suất 25 triệu khách mỗi năm trong giai đoạn 1. |
Xem thêm tại nguoiquansat.vn