Chia thêm room tín dụng, động lực cho các ngân hàng cạnh tranh

Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Tuy nhiên, đến nay, cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng chậm của cả nền kinh tế, mức tăng trưởng tại các ngân hàng cũng không đồng đều.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng mà các ngân hàng đã công bố, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao như LPBank đạt 15,2%, ACB là 12,8%, HDBank 12,5%, Techcombank đạt 11,6%, MB ở mức 10,3%, VPBank đạt 10,2%... Nhưng cũng có nhiều ngân hàng tăng trưởng thấp hơn mặt bằng chung như SHB là 5,2%, VIB 4,7%, TPBank đạt 4,0%, Agribank 2,6%... thậm chí ABBank còn ghi nhận mức tăng trưởng âm hơn 7% so với cuối năm 2023.

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% - vẫn còn cách xa so với mục tiêu 14-15% trong năm 2024.

Vì thế, kể từ cuối tháng 8/2024, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.

"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị", NHNN nhấn mạnh.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ của NHNN mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do vậy, NHNN sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới.

Với những động thái này, trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của VPBankS Research nhận định, chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần. Do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể sẽ phải đánh đổi bằng thu nhập lãi thuần (NIM) giảm nhẹ.

Theo VPBankS Research, các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên (như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank) sẽ được tăng room tín dụng lên mức 18-18,7%.

Dự báo về tăng trưởng tín dụng toàn ngành, VPBankS Research cho rằng, nếu các ngân hàng đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, NHNN không tăng lãi suất điều hành, tăng trưởng GDP đạt 6%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14,83%.

Cũng về vấn đề này, các chuyên gia của MBS Research dự báo, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm.

Theo MBS Research, các hoạt động cho vay sẽ đạt nhiều kết quả tích cực khi cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024, dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp. Cùng với đó, hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự như trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp.

Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, MBS Research dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024. MBS Research kỳ vọng, hoạt động nhập khẩu sẽ tăng 15-16% vào năm 2024 nhờ mức tăng trưởng 18,5% đạt được trong 7 tháng đầu năm 2024.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn