Chiếm chưa đến 0,1% DN trên thị trường nhưng nhóm này lại có vai trò dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam
Doanh nghiệp Nhà nước và vai trò dẫn dắt nền kinh tế
Thông tin tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra hồi tháng 9/2023 cho biết, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và 151 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Theo thống kê, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
DNNN đóng vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Điều này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển KTXH và bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộc một số hạn chế như một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, còn có DNNN hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm...
DNNN cần làm gì trong năm 2024?
Để thực hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế, DNNN cần có những thay đổi, cải cách nhằm thực hiện được kế hoạch đã đề ra.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh, đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, Mobifone, Tổng công ty công nghệ - viễn thông toàn cầu (GTEL)… năm 2024 cần tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số. Cùng với đó, phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6 năm 2024.
EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các DNNN là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế và giảm thiểu bất lợi do biến động về giá xăng dầu thế giới.
Các DNNN được giao nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống hạ tầng nông nghiệp là các công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tưới, tiêu ứng phó hạn hán xâm nhập mặn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ mủ cao su; đẩy mạnh hoạt động chế biến xuất khẩu gỗ, đồ gỗ.
Các công ty cung cấp dịch vụ khai thác hải sản tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân bám biển xa bờ, phát triển kinh tế biển.
Các DNNN cung cấp dịch vụ công ích tại các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ công ích, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân (đặc biệt là việc chống ngập úng đô thị, bảo đảm cấp nước sạch đô thị liên tục).
Các DNNN trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục cho vay, giải ngân, đúng quy định, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, bảo đảm chi phí lãi vay hợp lý nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo số liệu được cập nhật tính đến thời điểm 31/12/2022, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam là 895.876 doanh nghiệp. Như vậy, 827 DNNN chỉ chiếm chưa đến 0,1% toàn bộ số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Pha Lê
Xem thêm tại cafef.vn