Chiến lược thành 'người chơi chính' trên thị trường của Gemadept

Cảng Gemalink đón siêu tàu Manila Express, nguồn: Gemalink
Trong quý II, Gemadept (mã: GMD) đã thoái thành công toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Hoạt động này đã đem lại khoản lãi "khủng" 1.844 tỷ đồng ghi nhận vào doanh thu tài chính cho Gemadept. Nhờ đó, doanh nghiệp đạt lợi nhuận hơn 2.100 tỷ đồng trong 9 tháng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, doanh nghiệp công bố chủ trương thoái vốn tiếp toàn bộ gần 1 triệu cổ phần Công ty cổ phần Cảng Nam Hải, tương đương 99,98% vốn. Gemadept cho biết Cảng Nam Hải là mắc xích quan trọng và dấu ấn đầu tiên của tập đoàn trong chiến lược Bắc tiến, đóng vai trò lớn trong việc mở rộng đầu tư, phát triển các dự án cảng khác tại Hải Phòng, bao gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ (đã thoái vốn), cụm Cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD. Cảng được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009 và cho đến nay vẫn hoạt động rất hiệu quả.
Chứng khoán KB đánh giá Cảng Nam Hải nằm ở vị trí thiếu cạnh tranh so với các cảng mới như nằm sâu hơn vào phía đất liền, mất khả năng đón tàu lớn sau khi cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động. Việc chuyển nhượng vốn tại Cảng Nam Hải và Nam Hải ICD sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận cho Gemadept.
Trong hội thảo “Triển vọng 2024: Ngành cảng biển Việt Nam và Gemadept” do Chứng khoán HSC tổ chức chiều 14/12, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Gemadept chia sẻ điều này nằm trong chiến lược của tập đoàn thời gian tới. Đó là Gemadept đi theo xu hướng tập trung, tức sẽ đẩy mạnh những nơi trọng điểm có quy mô đủ lớn để tối ưu chi phí vận hành, đủ lớn để có tiếng nói riêng và đủ lớn để triển khai các hoạt động xanh, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, công ty cũng đa dạng hóa hệ sinh thái bằng cách tạo ra nhiều hoạt động vệ tinh kết nối với trung cảng lớn, làm sao để các luồng hàng container chạy trong hệ sinh thái Gemadept nhiều nhất có thể.
“Do vậy, quy mô, công suất khai thác cảng của Gemadept trong 3 đến 5 năm tới sẽ lớn hơn nhưng số lượng cảng thấp hơn hiện nay. Do công ty sẽ hợp lý hóa tài sản, có kế hoạch xử lý những cảng không phù hợp nữa và dồn nguồn lực cho những vùng chiến lược, trọng điểm, tạo quy mô đủ lớn để thành người chơi chính trên thị trường”, ông Bình nói.
Hiện nay, công ty đang tập trung cho 2 cảng lớn là Gemalink và Cảng Nam Đình Vũ. Gemalink có lợi thế là nằm ngay cửa sông Cái Mép – Thị Vải, là cảng nước sâu quy mô hàng đầu có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn lên đến 250.000 tấn trọng tải. Gemadept đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án với tổng đầu tư 330 triệu USD, đi vào vận hành từ 2021. Doanh nghiệp đang xúc tiến giai đoạn 2 tổng đầu tư hơn 300 triệu USD, công suất 1,5 triệu TEU, kỳ vọng có thể đưa vào khai thác từ 2025 – 2026.
Cảng Nam Đình Vũ nằm ngay cửa sông Bạch Đằng với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng, là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác ở khu vực Hải Phòng. Gemadept đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và 2 với công suất 900.000 – 1.200.000 TEU. Công ty đang triển khai đầu tư giai đoạn 3 với vốn 2.500 tỷ đồng, công suất 600.000 TEU, dự kiến đưa vào hoạt động từ 2025. Doanh nghiệp sẽ phát triển cụm cảng Nam Đình Vũ thành cảng sông lớn nhất khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, Gemadept còn phát triển dự án logistics tại phía Nam quy mô 10 ha, tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng, mở rộng hệ sinh thái cảng và logistics.
Đánh giá về ngành cảng biển và logistics năm 2023, ông Bình chia sẻ suy thoái kinh tế, xung đột chính trị không giảm mà bùng nổ ở nhiều khu vực khác, nhiều doanh nghiệp đóng cửa đã ảnh hưởng xấu đến ngành. Gemadept dự đoán được tình hình khó khăn và kích hoạt chương trình chống khủng hoảng từ quý IV/2022, duy trì cho đến nay. Sản lượng qua cảng giảm, doanh nghiệp tập trung vào tiết giảm chi phí, tái cấu túc tập tài sản, nâng cao quản trị và chuyển đổi số. Cùng với đó, doanh nghiệp hoàn thành dự án trọng điểm đề ra như đưa cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 vào hoạt động từ tháng 5/2023, xúc tiến đầu tư giai đoạn 3 của cụm cảng và 2 của Gemalink.
Với năm 2024, CEO Gemadept đánh giá tình hình ngành cảng và logistics còn khó khăn với những yếu tố bất ngờ về xung đột châu Âu, Trung Đông, bầu cử Mỹ… Song, so với 2023, triển vọng ngành sẽ tích cực hơn, sản lượng có thể tăng nhẹ. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, sản lượng container toàn cầu năm 2023 giảm 0,5%, qua năm 2024 có thể tăng khoảng 3% - 5%.
Với Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ có phục hồi, châu Âu được kỳ vọng không quá tệ và Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn khi một số mặt hàng được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có hỗ trợ cho tăng trưởng ngành cảng và logistics như thúc đẩy đầu tư công hệ thống cảng, hạ tầng. Việt Nam vẫn là một trong nước có tốc độ tăng trưởng cao và kỳ vọng thu hút vốn đầu tư.
Xem thêm tại nhadautu.vn