Chính sách tài khóa là điểm tựa của tăng trưởng
Nền lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, là tiền đề cho phục hồi đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những xung đột chiến lược giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị vẫn còn tạo ra những tác động tiêu cực tới bức tranh kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, một số tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mốc dưới hoặc thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 6 – 6,5% cho cả năm 2024. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, tăng trưởng sẽ khả quan hơn, nằm trong khoảng 6 – 6,5%.
Để đạt được mục tiêu này, ông Lực nhìn nhận, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ (tăng cung tiền để kích thích tăng trưởng) sẽ là điểm tựa của nền kinh tế. Cụ thể, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, dự kiến giải ngân gần 700 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ có thể cân nhắc ban hành thêm một số gói hỗ trợ nền kinh tế, có thể tính đến phương án tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước như đã triển khai trong giai đoạn Covid-19.
Ông Lực nhìn nhận, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách của Việt Nam vẫn còn nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội nên rủi ro tài khóa không cao, tạo dư địa cho Việt Nam mạnh tay hơn đối với chính sách tài khóa.
Thực tế cho thấy, chính sách tài khóa đã luôn là điểm tựa tăng trưởng trong suốt giai đoạn bốn năm qua, khi nền kinh tế đối diện với thách thức kép bởi sản xuất, kinh doanh khó khăn, chi phí đẩy lại khiến nguy cơ lạm phát tăng cao.
Chính sách tài khóa cũng chứng tỏ hiệu quả trong bối cảnh vòng quay tiền không cao khiến chính sách tiền tệ khó phát huy vai trò, lại phải cân nhắc về dư địa.
Đối với chính sách tiền tệ, chuyên gia của BIDV nhìn nhận, sẽ đóng vai trò bổ trợ cho nền kinh tế, trợ lực cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các chính sách và cho phép cơ cấu lại nợ để giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp và hệ thống tín dụng.
Ông Lực dự báo, lãi suất năm 2024 sẽ không tăng do áp lực lạm phát đã phần nào được giải tỏa, các tổ chức tín dụng cũng mong muốn kích cầu tín dụng.
Bên cạnh chính sách tài khóa và tiền tệ, một trợ lực quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là công tác hoàn thiện thể chế, với một số luật sẽ đi vào hiệu lực vào năm tới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
“Thông thường thị trường sẽ đón trước các tín hiệu của sự hoàn thiện về thể chế”, ông Lực nói tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và thế giới do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Mặt khác, động lực mới đến từ những xu thế chuyển đổi lớn như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển dịch năng lượng, kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội quan trọng có thể giúp nền kinh tế Việt Nam bứt phá.
Tuy nhiên, một số yếu tố bất định cần được lưu ý để đảm bảo triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam. Cụ thể, chuyên gia của BIDV chỉ ra, các đơn hàng đang quay trở lại với doanh nghiệp Việt Nam nhưng chủ yếu là đơn hàng ngắn hạn, không tăng giá, trong khi doanh nghiệp lại phải vật lộn với các loại chi phí tăng cao.
Mặt khác, tiêu dùng phục hồi chậm, đầu tư tư nhân tăng trưởng thấp sẽ là yếu tố làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng nhưng giải ngân đầu tư công vẫn vướng phải căn bệnh “trên nóng dưới lạnh”, thiếu đồng bộ và chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá. Hiệu quả của đầu tư công còn chưa cao so với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Khó khăn hàng đầu hiện nay là vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có phần kiệt quệ, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao đột biến. Trong khi đó, rủi ro trên thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, rủi ro nợ xấu vẫn chưa được giải quyết.
Đây là những vấn đề cần được theo dõi cẩn thận và sớm đưa ra giải pháp hiệu quả để không chỉ đảm bảo tăng trưởng năm 2024 mà còn bảo vệ nguồn lực của nền kinh tế, duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Xem thêm tại theleader.vn