Chính sách tiền tệ khó nới lỏng thêm

Sức ép tỷ giá

Quyết định giảm thêm 0,25%/năm lãi suất của Fed trong ngày 7/11 vừa qua không làm cho sức khỏe đồng USD yếu đi, mà ngược lại, chỉ số Dollar Index tăng lên gần chạm ngưỡng 107 điểm vào ngày 15/11 - mức cao nhất trong hơn một năm qua. Đồng USD tăng giá khiến tỷ giá USD/VND không khỏi áp lực gần đây. Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm 8 đồng trong sáng ngày 15/11, lên 24.298 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tăng thêm 2 đồng/USD trong phiên này. Cụ thể, ACB mua vào USD ở mức 25.170 - 25.200 đồng/USD, bán ra ở mức 25.504 đồng/USD; Vietcombank mua vào ở mức 25.154 - 25.184 đồng/USD, bán ra ở mức 25.504 đồng/USD…

Giá USD trong ngân hàng tăng nhẹ khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra thị trường mở. Ngày 14/11/2024, 19 thành viên trúng thầu gần 20.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm.

Quả thực, tỷ giá VND/USD đã “nổi sóng” trở lại từ đầu tháng 10/2024 cùng với sự đi lên của chỉ số Dollar Index. Thế nhưng, giới phân tích còn đưa ra dự báo rằng, khả năng USD tăng giá sẽ rất lớn, sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và lộ trình giảm lãi suất của Fed chậm lại có thể gây áp lực không nhỏ đến điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tại một sự kiện ở Dallas (Mỹ) trong ngày 14/11/2024, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed đã gửi đi thông điệp rõ ràng về việc không vội vã hạ lãi suất. Theo ông, việc nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt sẽ cho Fed thêm thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed tiếp tục giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 12 tới...

Giới đầu tư toàn cầu đang ngóng đợi chính sách của tân Tổng thống Mỹ. Nhiều người lo ngại, ông Donald Trump sẽ gây khó khăn cho lộ trình giảm lãi suất của Fed cũng như sẽ dựng nhiều “hàng rào” bảo vệ sản xuất trong nước; trong đó, có hàng rào thuế quan. Một khi chỉ số USD - Index tiếp tục tăng, tỷ giá VND/USD sẽ gặp áp lực. Sự gia tăng giá trị USD trên phạm vi rộng khiến dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị co hẹp.

Trong báo cáo gửi Quốc hội tuần đầu tháng 11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn, một phần do sức ép tỷ giá.

Có rất nhiều lý do để cơ quan quản lý và điều hành chính sách tài chính - tiền tệ tiếp tục thận trọng khi áp dụng chính sách tỷ giá. Tuy chưa có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ tạm hoãn lộ trình giảm lãi suất USD, song tỷ lệ đặt cược của thị trường thể hiện, nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng này. Mặc dù nhà điều hành đang triển khai đồng thời cả hai công cụ là tín phiếu và bán ngoại tệ can thiệp để kiềm chế đà tăng của tỷ giá VND/USD (tương tự quý II và đầu quý III/2024) nhưng khả năng tiếp tục thực hiện các công cụ này cũng chỉ có giới hạn, nếu không sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Việt trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến trong tuần qua cho thấy, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc vọt tăng tới 6%/năm.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng sẽ tác động xấu tới nhập khẩu và lạm phát, nhất là trong bối cảnh lạm phát còn chực chờ tăng do độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, do nguy cơ thiên tai, lũ lụt và các tác động khách quan khác.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng nhận định, áp lực tỷ giá cộng thêm cầu tín dụng tăng trong những tháng cuối năm có thể khiến lãi suất gia tăng. Điều này gây khó khăn cho nỗ lực phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn dài hạn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang gặp khó, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế càng có nguy cơ yếu hơn. Cho dù Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, song với những thách thức mới, dư địa của chính sách tiền tệ hiện trở nên rất hạn hẹp. Lúc này, sự hỗ trợ của chính sách tài khóa, nhất là việc cắt giảm thủ tục hành chính và tăng giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết.

Khó giảm thêm lãi suất

Với những khó khăn, thách thức trên, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Dragon Capital đều nhận định, dư địa nới lỏng chính sách tài chính của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, cuộc chiến lạm phát của các nước thu nhập cao về cơ bản đã đạt mục tiêu và xu hướng giảm lãi suất đã trở nên rõ ràng. Trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất ba lần, tổng cộng từ 0,75 - 1,1%/năm. Tuy Fed có phần chậm chân hơn nhưng cũng đã hai lần hạ lãi suất, tổng cộng 0,75%/năm. Với câu chuyện lạm phát và lãi suất đã ở phía sau, theo ông Hùng, một trong những ẩn số lớn trong thời gian tới là chính quyền mới của Mỹ.

TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital cũng cho hay, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu: không chỉ mang ý nghĩa thương mại, mà nó thiên về một số chính sách tiền tệ.

“Trong cuộc họp chính sách ngày 7/11, sau khi quyết định hạ lãi suất thêm 0,25%/năm, Chủ tịch Jerome Powell cũng đề cập nhiều khả năng Fed sẽ hạ chi phí đi vay thêm 0,25%/năm tại cuộc họp tháng 12. Tuy nhiên, ông Powell dường như không nhận định về tình hình kinh tế và xu hướng lãi suất trong năm 2025, bởi khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, khả năng cao sẽ muốn USD mạnh”, TS. Tuấn thông tin.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát giảm chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Bởi thế, việc thực hiện chủ trương tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó khăn. Nguyên nhân là lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua với cả khoản cho vay mới và cũ.

Lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, trước sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất VND trong nước gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước cũng ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất...

Nhận định về xu hướng lãi suất trong nước, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở OMO) để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3 - 4%/năm và dài hạn 12 tháng ở mức 5 - 6%/năm.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cũng đánh giá, để lãi suất huy động tăng cao trong bối cảnh hiện nay là rất khó, kể cả thời điểm cầu vốn có tăng cao cuối năm tăng. Bởi hiện lạm phát của Việt Nam được kiểm soát (số liệu mới nhất hiện được kiểm soát 3,6 - 3,7%) và Fed đã hai lần giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất chung của thế giới đang đi xuống thì không có lý do gì lãi suất huy động tăng cao, nhưng sẽ khó giảm thêm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhận định, lãi suất huy động trên thị trường và lãi suất điều hành khó giảm thêm trong 2 tháng cuối năm do tín dụng có xu hướng tăng mạnh trong quý IV/2024, trong khi huy động vốn tăng chậm hơn. Đồng thời, nợ xấu của ngành ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Việc nhà điều hành có tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hay không, theo ông Hiếu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có sự cân bằng giữa lạm phát và ổn định tăng trưởng kinh tế. Nhưng ông cũng mong rằng, Fed sẽ có thêm các lần cắt giảm lãi suất trong thời gian tới và nếu điều này diễn ra sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn