Chính thức bước vào chu kỳ tăng giá ure, lợi nhuận Đạm Cà Mau (DCM) dự báo bùng nổ

Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán DSC, giá ure Trung Đông đã tăng 22% kể từ tháng 5/2024 do vấn đề nguồn cung khí tự nhiên trầm trọng hơn đáng kể khi hạn hán kéo dài bởi El Nino (hiện tượng khí hậu nóng lên dị thường ở Thái Bình Dương) làm đình trệ hoạt động khai thác và sản xuất tại EU và các khu vực Trung Đông.

Cùng với đó, việc nhu cầu tiêu thụ ure hồi phục trước các vụ gieo hạt hè-thu sắp tới và Trung Quốc và Nga tiếp tục gia hạn lệnh ngừng xuất khẩu/hạn ngạch xuất khẩu phân bón làm ure thêm khan hiếm khiến giá tăng mạnh trở lại.

DSC kỳ vọng giá ure còn có dư địa tăng khi nguồn cung khí tự nhiên sẽ thắt chặt hơn trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 do căng thẳng địa chính trị và giá dầu dự kiến neo ở mức cao hơn 5-8% so với hiện tại.

Chính thức bước vào chu kỳ tăng giá ure, lợi nhuận Đạm Cà Mau (DCM) dự báo bùng nổ
Giá ure Trung Đông tăng mạnh từ tháng 5 đến nay (Nguồn: DSC)

Nhìn rộng hơn, theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Thế giới, công suất thiết kế của ngành ure sẽ chưa thể gia tăng trong giai đoạn 2025 - 2027 do việc đầu tư dây chuyền tốn ít nhất hai năm để đưa vào vận hành và hiện tại chưa có báo cáo về các dự án xây mới.

Trên quan điểm đó, công suất thiết kế dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, càng trầm trọng hơn vấn đề suy giảm nguồn cung khi cộng hưởng với vấn đề thiếu nguồn cung khí tự nhiên (nguyên liệu đầu vào cho khoảng 70% sản lượng ure thế giới) dự báo trầm trọng hơn từ cuối năm 2024 do thiếu các dự án đầu tư mở rộng mới.

Mặc dù không thể quay lại mức giá cao năm 2022, DSC nhận định giá ure vẫn còn có dư địa tăng khoảng 20% so với hiện tại cho đến hết năm 2025.

Chính thức bước vào chu kỳ tăng giá ure, lợi nhuận Đạm Cà Mau (DCM) dự báo bùng nổ
Công suất Ure hầu như không đổi trong giai đoạn tới trong khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng mạnh (Nguồn: DSC)

Qua đó, DSC đánh giá Đạm Cà Mau (DCM) sẽ hưởng lợi lớn từ việc giá ure tăng mạnh trong thời gian tới. Được biết, DCM là một trong hai doanh nghiệp sản xuất ure hàng đầu, chiếm thị phần tới 60% tại Đồng bằng sông Cửu Long. So với Đạm Phú Mỹ (DPM), DCM có ưu thế hơn về tỷ trọng và thị trường xuất khẩu, phân bố tại thị trường Đông Nam Á, Mỹ Latinh.

Mặt khác, việc Dự thảo thuế VAT sửa đổi dự kiến thông qua sẽ đưa nhóm Phân Bón vào diện chịu thuế 5% và mở rộng thị trường trong nước (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ) cũng như khu vực Asean sẽ giúp kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Với các luận điểm trên, năm 2024, DSC dự phóng doanh thu của DCM đạt 14.560 tỷ đồng (cao thứ 2 chỉ sau năm kỷ lục 2022), tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.554 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2023.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn