Chính trường Thái Lan lo bất ổn

Theo báo The National, rắc rối pháp lý của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin là do việc bổ nhiệm ông Phichit Chuenban làm bộ trưởng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng cách đây khoảng 3 tháng. Vấn đề là ông Phichit từng bị bỏ tù vì tội coi thường tòa án sau một vụ hối lộ.

Tòa án Hiến pháp sẽ phán quyết xem Thủ tướng Srettha có vi phạm "tiêu chuẩn đạo đức" hay không, sau khi ông bị 40 thượng nghị sĩ (thuộc Đảng Palang Pracharath Party - PPRP) nộp đơn kiện. Ông Pichit đã từ chức ngay sau đó trong khi Thủ tướng Srettha luôn khẳng định mình vô tội.

Nếu tòa án phán quyết ông Srettha không vi phạm hiến pháp, chính phủ Thái Lan có thể tiếp tục hoạt động như bình thường, ít nhất là đến hết năm nay. Mặc dù vậy, ông Srettha sẽ phải cải tổ nội các và có sự thay đổi đối tác trong liên minh cầm quyền (PPRP đang là thành viên liên minh này). Chưa hết, chính phủ của ông Srettha còn phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm đến từ phe đối lập trong quốc hội.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin chào đón Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok - Thái Lan hồi tháng 4-2024 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin chào đón Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok - Thái Lan hồi tháng 4-2024 Ảnh: REUTERS

Về mặt kinh tế, nếu thủ tướng Thái Lan vượt qua được rào cản kể trên, trọng tâm sẽ chuyển sang hiệu quả hoạt động của chính quyền ông, đặc biệt là trong các chính sách chủ chốt của chính phủ và Đảng Pheu Thai (đảng dẫn đầu liên minh cầm quyền).

 Niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường đều bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị, thể hiện qua diễn biến tiêu cực của giao dịch chứng khoán gần đây. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định niềm tin của các nhà đầu tư sẽ được cải thiện nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết có lợi cho Thủ tướng Srettha. 

"Các nhà đầu tư mong muốn chính trường Thái Lan ổn định. Nếu thủ tướng tiếp tục nhiệm kỳ, các chính sách hiện tại sẽ được tiếp tục" - Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul giải thích.

Ngược lại, nếu Tòa án Hiến pháp buộc Thủ tướng Srettha từ chức, toàn bộ nội các của ông cũng bị bãi nhiệm theo. Nếu xảy ra, đây sẽ là bước ngoặt trên chính trường Thái Lan, đồng thời đẩy Đảng Pheu Thai vào khó khăn mới. 

Việc chuyển nội các hiện nay thành chính phủ tạm quyền hoặc thành lập ngay chính phủ mới đều đòi hỏi nhiều thời gian đàm phán và gây gián đoạn trong điều hành đất nước, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội và kinh tế.

Hôm 13-8, ông Srettha cho biết ông sẽ không có mặt tại tòa để nghe phán quyết do lịch trình bận rộn, thay vào đó sẽ để Tổng Thư ký của mình là ông Prommin Lertsuridej làm người đại diện. 

Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cũng đã công bố hoạt động chính thức của ông Srettha trong nửa cuối tháng 8, bao gồm hàng loạt chuyến đi khắp Thái Lan để giám sát các hoạt động quản lý nước và trấn áp ma túy.

Ngoài phiên tòa quan trọng kể trên, theo tờ Bangkok Post, Thủ tướng Srettha còn bị Ủy ban Hạ viện về phát triển chính trị, truyền thông đại chúng và tham gia công chúng yêu cầu giải thích về việc chính phủ ông không thông qua 16 dự luật liên quan đến tài chính đúng thời hạn. 

Theo nguồn tin truyền thông, ông Parit Wacharasindhu, chủ tịch của ủy ban hạ viện trên, đã mời ông Srettha dự cuộc họp vào ngày 15-8 để thảo luận về tình trạng của các dự luật này. 

Xem thêm tại cafef.vn