Chờ đợi “cú huých”

VN-Index không thể kiểm nghiệm thành công ngưỡng 1.300 điểm phần lớn do dòng tiền chưa được phân bổ đồng đều đến các nhóm ngành. Nhóm ngân hàng tiếp tục là động lực chính khi ghi nhận diễn biến tích cực nhất, trong khi các ngành khác như bất động sản và vật liệu xây dựng vẫn cần thêm thời gian tích lũy.

Nhà đầu tư nước ngoài có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp, nhưng chưa đủ để thúc đẩy đà tăng của thị trường. VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh, không loại trừ khả năng lùi xuống vùng 1.250 điểm, nhưng sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu để đón đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý III dự kiến khả quan.

Giai đoạn tới, khi diễn biến VN-Index dần cải thiện bởi các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đang sáng hơn, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ trọng với kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Các cổ phiếu tiềm năng là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II cũng như quý III, cùng với sự chú ý của dòng tiền như nhóm chứng khoán kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình nâng hạng thị trường (SSI, HCM, VCI), nhóm ngân hàng (ACB, MBB, STB) nhờ tín dụng tăng trưởng.

Một nhóm ngành khác đáng quan tâm là thép, với triển vọng phục hồi sớm hơn dự kiến. Thông tin từ Reuters về việc Trung Quốc hoãn phê duyệt các nhà máy thép sử dụng than và cắt giảm sản lượng tại các tỉnh lớn như Hà Bắc, Giang Tô cho thấy nỗ lực mạnh của nước này trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu dư cung thép, trong bối cảnh ngành thép thời gian qua gặp nhiều khó khăn, biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức âm.

Giá thép xây dựng tại Trung Quốc đã tăng 4% từ mức đáy trong tháng 8, báo hiệu sự phục hồi trong quý IV/2024. Với việc nguồn cung thép trở nên thắt chặt hơn và nhu cầu dự kiến sẽ tăng trở lại, các yếu tố này có thể đẩy giá thép cây lên mức cao hơn trong các tháng cuối năm.

Ngành thép Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ hơn ngành thép Trung Quốc nhờ vào sự phát triển của thị trường bất động sản và sự đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nguồn cung nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ tăng, tạo ra nhu cầu lớn hơn đối với thép xây dựng. Cùng với đó, kế hoạch giải ngân đầu tư công năm nay tăng 12% so với năm trước, đạt khoảng 638.000 tỷ đồng, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Điều này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu thép, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.

Tiêu thụ thép xây dựng trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy sự phục hồi của thị trường thép nhờ nhu cầu trong nước. Quý IV/2024, giá thép xây dựng trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi khoảng 5% so với mức đáy hồi tháng 8, đạt trung bình 571 USD/tấn và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá thép thép cuộn cán nóng (HRC) có thể sẽ giảm, xuống 556 USD/tấn, chủ yếu do áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nhìn về dài hạn, trong giai đoạn 2025 - 2026, giá thép xây dựng và HRC được dự đoán sẽ tăng lần lượt 7% và 6% trong năm 2025, tiếp tục tăng 7% và 8% trong năm 2026. Sự tăng trưởng này dựa trên nhu cầu cải thiện ổn định cùng với áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc giảm dần, giúp ngành thép nội địa có thêm dư địa phục hồi và phát triển.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng bất động sản và đầu tư công sẽ tạo ra triển vọng tích cực cho ngành thép trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế dài hạn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn