Chờ đợi gì tại mùa đại hội cổ đông ngân hàng?

Empty

Chia cổ tức bằng tiền mặt và làn sóng tăng vốn là kế hoạch được kỳ vọng tại ĐHĐCĐ ngành ngân hàng 2024. 

Cổ phiếu ngân hàng bứt tốc

VN-Index vừa có một giai đoạn tăng trưởng tốt từ đầu tháng 11/2023 - nay. Chốt phiên giao dịch ngày 22/2/2024 VN-Index đứng ở mức 1.227 điểm, gần đạt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 9/2023, tăng 19% so với mức đáy ngày 31/10/2023.

Dẫn dắt đà tăng của thị trường chung là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, nhóm cổ phiếu các nhà băng đã có sự nhiều phiên bứt phá, một số mã đã về lại đỉnh, thậm chí vượt đỉnh năm 2022.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, sau một thời gian liên tục tăng giá, định giá của ngành ngân hàng đã không còn rẻ.

"Nhóm ngân hàng thời gian vừa qua đã tăng nhiều. Nếu nhìn trên góc độ định giá, nhiều ngân hàng có P/B đã trên 2 lần. Tất nhiên sẽ có sự phân hoá nhưng đa phần không còn quá hấp dẫn", ông Minh nói.

Đánh giá về tiềm năng nhóm ngân hàng, vị này nhấn mạnh, 2024 vẫn là năm tương đối khó khi nguồn thu không còn đa dạng như các năm trước và chủ yếu phụ thuộc vào lãi thuần. Lý do là Bancassurance năm nay gần như sẽ không thực hiện được thương vụ nào do sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Trái phiếu dù tốt lên nhưng không quá thuận lợi và chỉ có một vài ngân hàng lớn có nguồn thu từ đây.

Tổng quan lại, nguồn thu từ lãi là chủ yếu nhưng rủi ro lãi suất huy động không còn dư địa giảm mà có thể phải sớm tăng trở lại vào khoảng tháng 5, 6 do thanh khoản bớt dồi dào. Trong khi đó lãi suất cho vay giảm xuống khiến NIM của các nhà băng sẽ bị thu hẹp.

Giám đốc Phân tích của Yuanta nhận định rằng, tỷ lệ Casa có thể là từ khoá cho lợi nhuận ngân hàng 2024. Tuy nhiên, chỉ một số ngân hàng lớn có lợi thế này (chủ yếu là nhóm ngân hàng lớn và quốc doanh), còn lại đa số ngân hàng sẽ có mức lợi nhuận đi ngang so với 2023. 

Kỳ vọng từ ĐHĐCĐ 2024: Chia cổ tức tiền mặt và làn sóng tăng vốn

Đánh giá về kỳ ĐHĐCĐ ngành ngân hàng 2024 bắt đầu từ tháng 3 này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt và một số kế hoạch tăng vốn lớn.

Giải thích rõ hơn, vị này cho biết, sau nhiều năm không thể chia cổ tức bằng tiền mặt do cần dùng vốn bổ sung để đảm bảo các tiêu chí Basel II và yêu cầu của NHNN thì năm nay nhiều ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền. Đây cũng là yếu tố tác động tốt lên giá cổ phiếu.

Kỳ vọng thứ hai liên quan tới kế hoạch tăng vốn. Một số ngân hàng lớn đang thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Để thực hiện được quá trình này phải có nguồn lực, như vậy có thể sẽ có một làn sóng tăng vốn trong năm nay, đặc biệt là các nhà băng lớn và quốc doanh.

Một kỳ vọng nữa với ngành ngân hàng trong ngắn và trung hạn là việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi NHNN nới room ngoại cho các NHTM lên 35%.

Ngoài ra, ông Minh chia sẻ, ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết room tín dụng toàn ngành 15%, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch cho vay và huy động. 

Cho đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 5 nhà băng thông báo về kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. 

Cụ thể, ABBank thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 là ngày 8/3/2024. ĐHĐCĐ của ABBank dự kiến được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 5/4/2024 tại Hà Nội.

ACB cũng vừa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào thứ năm, ngày 4/4/2024. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ là ngày 1/3/2024.

MBBank cũng có kế hoạch sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 19/4. MBBank chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ 2024 vào ngày 18/1/2024. 

HĐQT LPBank vừa phê duyệt kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ năm nay vào tháng 4/2024. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông, nhóm cổ đông đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV và tham dự họp Đại hội là ngày 15/2.

NamABank dự kiến tổ chức đại hội là thứ 6, ngày 29/3/2024 và ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham gia đại hội là 28/2/2024.

Cho đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn: Vietcombank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; BIDV với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; MBB cũng tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội;

Xem thêm tại nhadautu.vn