Cho vay theo chuỗi giá trị, ‘cơn khát vốn’ trong nông nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tín dụng giúp tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng trong chuỗi, khiến lợi ích các bên tăng lên, là mấu chốt để liên kết, hợp tác bền vững. Với các tổ chức tín dụng, ngoài mở rộng quy mô dư nợ lớn hơn còn tạo mối quan hệ với tác tác nhân trong và ngoài chuỗi giá trị và nhiều lợi ích khác.

Hướng dòng vốn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn

Vì vậy, việc triển khai cho vay theo chuỗi được các nhà băng chủ động triển khai. Điển hình, Agribank cho biết đang triển khai cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm cho vay sỉ thông qua hợp tác xã (HTX), cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên (ngân hàng - doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản - HTX) và cho HTX vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của HTX.

Ví dụ, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được khoảng 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và hộ nuôi tôm. Các liên kết của các công ty như: Tập đoàn Minh Phú, Tài Kim Anh… đều đã được các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, giải ngân khoản vay.

Một số ngân hàng khác như NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản.

-7924-1724742669.jpg

Nhu cầu vốn tín dụng để các địa phương hình thành các mô hình chuỗi liên kết vùng nguyên liệu trong các năm 2024 - 2025 ước khoảng 552,3 tỷ đồng.

Chẳng hạn, NamABank đang cho vay các chuỗi ngành hàng thủy sản với lãi suất 3%/năm (đối với USD) và từ 8%/năm (đối với VND). SHB, HDBank tài trợ vốn cho cho các dự án sản xuất, chế biến lúa gạo có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh…

Hay như gói tín dụng cho vay lâm, thuỷ sản đã được các ngân hàng nâng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, với 74% dành cho ngành thuỷ sản đã tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của ngành này. Đồng thời việc nâng quy mô của gói tín dụng sẽ tạo ra cú hích để hỗ trợ cho ngành lâm, thủy sản”.

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng được triển khai, song TS. Trương Thị Thu Trang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đồng thời họ mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp - phù hợp.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ ngân hàng, bà Trang cũng lưu ý, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi lo ngại rủi ro với nguồn vốn cho vay mà không có tài sản đảm bảo.

Một số ngân hàng chia sẻ về một số hạn chế trong cho vay theo mô hình liên kết: tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết tại một số địa phương chưa chặt chẽ; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức, quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết người dân còn yếu, xảy ra nhiều trường hợp phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến...

“Vấn đề rủi ro tín dụng luôn là rào cản để ngân hàng và người nông dân chưa thể tìm được tiếng nói chung”, đại diện một ngân hàng thương mại giãi bày.

Gỡ rào cản trong tiếp cận nguồn vốn

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2050, trong đó có triển khai các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp. Để đạt mục tiêu này, nhu cầu vốn tín dụng để các địa phương hình thành các mô hình chuỗi liên kết vùng nguyên liệu trong các năm 2024 - 2025 ước khoảng 552,3 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, đổi mới chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, cần ban hành Nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết; xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu của các thành viên trong chuỗi giá trị…

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Định, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), kiến nghị sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tín dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các Chương trình, Đề án của Bộ NNPTNT đang triển khai, ví dụ như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân…

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần phát triển bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung…

Đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NNPTNT, Agribank xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đang xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn