Cho vay tiêu dùng đã "thoát đáy"?
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về thị trường tài chính tiêu dùng của Fiingroup, các chuyên gia nhận định thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đã trải qua năm thách thức nhất trong thập kỷ qua do bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, môi trường kinh doanh tín dụng gặp nhiều bất lợi.
Cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đã thu hẹp hơn 9% so với năm trước trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, chất lượng tín dụng của người vay giảm sút, tỉ lệ nợ xấu gia tăng, khiến các tổ chức tín dụng buộc phải thắt chặt các điều kiện cho vay hơn.
Từ mức tăng trưởng xấp xỉ gần 30% vào năm 2019, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trồi sụt rồi giảm 9,1% vào năm 2023 - được xem là năm khó khăn nhất trong khoảng một thập kỷ qua. Thu nhập của các công ty sụt giảm mạnh, lợi nhuận cũng bị âm khi nhiều công ty báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng sau giai đoạn "gà đẻ trứng vàng".
Tỉ lệ nợ xấu trung bình của các công ty tài chính tăng cao từ khoảng 3% lên tới khoảng 11% vào năm 2023....
Dù vậy, đến thời điểm này, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam được dự báo đã chạm đáy và đang chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới dù còn khó khăn. Những tiềm năng phục hồi nhờ nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng dự báo phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2024.
"Trong ngắn hạn, con đường phục hồi sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô, bao gồm sự hồi phục của ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng và nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình" - các chuyên gia của Fiingroup nói.
Đáng chú ý, sau một loạt các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường, với sự đổi chủ của các công ty tài chính, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự tham gia mạnh hơn của nhà đầu tư nước ngoài, cùng xu hướng thoái vốn của một số ngân hàng nội địa khỏi các chi nhánh tài chính tiêu dùng của họ.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, một loạt cuộc đổi chủ trên thị trường tài chính tiêu dùng đã diễn ra. Tập đoàn Home Credit chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB) của Thái Lan; SeABank bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd (Nhật Bản); SHB chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan.
Trước đó, VPBank cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản)…
Xem thêm tại cafef.vn