Cho vay tiêu dùng vượt qua 'vùng tối' lợi nhuận, bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đặc biệt, với hành lang pháp lý mới, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ phía các ngân hàng thương mại.

Công ty tài chính tiêu dùng có lãi trở lại

Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison cho biết, kết quả kinh doanh của HD Saison tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay, khi dư nợ cho vay đến cuối quý II/2024 tăng gần 8,7% so với cùng kỳ, đạt 16.939 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng khách hàng mới đạt gần 20%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm trước và gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng).

-1653-1723540164.jpg

Lãi suất giảm và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện nhu cầu vay và khả năng trả nợ của khách hàng.

Yếu tố chính giúp HD Saison đạt được kết quả trên là nhờ công ty đã tập trung cho vay mua hàng, chủ yếu là mua xe máy, điện máy. Cho vay tiền mặt tập trung vào những khách hàng đã từng vay trước đó và có lịch sử trả nợ tốt. Theo đó, biên lãi thuần (NIM) tiếp tục được cải thiện, đạt mức 30% từ mức 29% ở cùng kỳ. Trong khi đó, chất lượng tài sản đã cải thiện hơn, với tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2024 là 7,5%, giảm nhẹ so với mức 7,9% hồi cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, lãnh đạo HD Saison tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt hoặc vượt 1.000 tỷ đồng đã đề ra trong năm 2024.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc cùng chất lượng cho vay cải thiện khi thu nhập lãi thuần đạt hơn 385 tỷ đồng, tăng 549% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, EVN Finance lãi trước thuế hơn 146 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm, EVN Finance ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6/2024, nợ xấu của EVN Finance đã giảm tới 38% so với đầu năm; trong đó nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng chỉ còn 0,71% từ mức 1,3%. Mặc dù nợ xấu giảm, EVN Finance vẫn tăng gấp đôi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Một "ông lớn" trong mảng cho vay tiêu dùng khác là FE Credit cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - công ty mẹ của FE Credit, cho biết theo đà phục hồi của cầu tiêu dùng, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit trong quý II tăng trưởng 3,5% so với quý IV/2023. Doanh số giải ngân trong quý tăng 9% so với quý trước đó và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ 2023.

Theo VPBank, hoạt động tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện chất lượng danh mục, tăng cường hiệu quả thu hồi nợ và tối ưu bộ máy vận hành đã từng bước đưa công ty tài chính tiêu dùng tìm lại chu kỳ tăng trưởng mới.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng

Nếu như trong năm 2023, lợi nhuận của các công ty tài chính lớn trên thị trường giảm sâu, từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng do nợ xấu và nợ khó đòi tăng, thì nửa đầu năm nay, dấu hiệu khởi sắc đã quay lại.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tỷ lệ nợ xấu của FE Credit, HD Saison và MCredit có dấu hiệu cải thiện trong 2 quý vừa qua nhờ chiến lược xử lý nợ tích cực của các công ty này.

VCSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm, đi cùng việc nâng cao quy trình thẩm định tín dụng và hoạt động kinh tế cải thiện và lãi suất giảm sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng.

Về dài hạn, VCSC tin rằng tài chính tiêu dùng vẫn là một mảng kinh doanh hấp dẫn dựa trên đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến quý II/2024, số lao động có việc làm phi chính thức đạt 33,5 triệu người, chiếm 65,2% tổng số lao động có việc làm. Cùng với đó, tỷ lệ thâm nhập ngân hàng của Việt Nam năm 2023 vẫn thấp hơn nhiều nước châu Á khác (theo Statista). Điều này phản ánh rằng Việt Nam có một thị trường tiềm năng lớn về khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng để các công ty tài chính tiêu dùng khai thác.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về thị trường tài chính tiêu dùng của Fiingroup, các chuyên gia nhận định đến thời điểm này, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam được dự báo đã chạm đáy và đang chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới, dù còn khó khăn. Những tiềm năng phục hồi nhờ nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng dự báo phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2024.

"Trong ngắn hạn, con đường phục hồi sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô, bao gồm sự hồi phục của ngành sản xuất và xuất khẩu dự kiến sẽ cải thiện chất lượng tín dụng và nhu cầu tín dụng của công nhân, lao động động phổ thông, những người có thu nhập từ thấp đến trung bình", các chuyên gia của Fiingroup nêu.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng lãi suất giảm và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện nhu cầu của khách hàng và khả năng trả nợ.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN (Thông thư 12) sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay được kỳ vọng tạo đột phá trong phân khúc cho vay tiêu dùng. Điểm nổi bật của thông tư này là quy định các khoản cho vay có giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng thì không cần phương án sử dụng vốn khả thi, phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ...

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn