Chới với cổ phiếu tân binh AIG
Biến động cổ đông trước thềm lên sàn, AIG mất giá liên tục
Cổ phiếu AIG được đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 11/11/2024. Cụ thể, hơn 170,6 triệu cổ phiếu này lên sàn với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 63.000 đồng/cổ phiếu - một mức giá cao trên thị trường, đặc biệt với một doanh nghiệp ngành thực phẩm.
Thế nhưng, cổ phiếu AIG không giữ được mức giá trên. Ngay phiên chào sàn, giá AIG giảm 8,1%, về mức 57.900 đồng/cổ phiếu, thậm chí có nhịp còn rớt xuống 45.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất giá 28%. Cổ phiếu này mở đầu chuỗi ngày lên sàn chứng khoán bằng 3 phiên giảm giá liên tiếp.
Hiện cổ phiếu AIG vẫn đang trong xu hướng tiếp tục giảm. Chốt phiên 23/12/2024, AIG về mức giá 45.700 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 27% so với giá tham chiếu ban đầu. Vốn hóa của công ty trên sàn chứng khoán cũng bốc hơi gần 3.000 tỷ đồng kể từ khi lên sàn.
Đáng nói là, trước ngày cổ phiếu AIG lên sàn UPCoM, cơ cấu cổ đông có biến động mạnh. Một số cổ đông có động thái thoái bớt vốn, đặc biệt là các cổ đông lớn đã gắn bó lâu năm với AIG.
Cụ thể, trong tháng 7/2024, VFPHK Holdings Limited bán bớt cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống 4,023%. Cùng trong tháng này, Penm IV Germany GMBH&CO. KG giảm số cổ phần sở hữu xuống còn 5,8 triệu cổ phần, chiếm 3,4% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của Công ty.
Ở chiều ngược lại, cổ đông từ Singapore là MGCA Foodco Pte.Ltd tiếp tục gia tăng sở hữu lên hơn 49,4 triệu cổ phần, tương đương 28,9% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Không chỉ cổ đông tổ chức, chính Tổng giám đốc Công ty cũng bán bớt cổ phần AIG trong năm 2024. Trong báo cáo thường niên 2023, ông Nguyễn Bảo Tùng, Tổng giám đốc AIG vẫn còn nắm giữ 10,47% vốn công ty hồi đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong bản công bố thông tin trước khi lên sàn, tỷ lệ sở hữu của ông Tùng đã giảm xuống 8,48%, tương đương đã bán đi hơn 3,4 triệu cổ phiếu AIG trong 8 tháng đầu năm.
Mô hình kinh doanh thiếu động lực tăng trưởng
Công ty AIG được thành lập vào tháng 7/2017, với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Đầu tư GIG, vốn điều lệ 18 tỷ đồng. Sau 4 lần tăng vốn với các hình thức khác nhau, AIG hiện có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng.
Hiện AIG có 7 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nguyên vật liệu và gia vị cho ngành chế biến thực phẩm, sữa và hàng hóa thực phẩm. Trong khi đó, trên Điều lệ của Công ty, ngành kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Được định giá ở mức cao khi lên sàn, song với các nhà đầu tư, mức giá này không tương xứng với giá trị của doanh nghiệp. Nhìn vào báo cáo tài chính của AIG, nhiều năm nay, mức tăng trưởng khá dè dặt. 5 năm qua, AIG chỉ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2021 -2022, với con số tăng trưởng lợi nhuận trên 2 con số, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 35% năm 2021 và 15% năm 2022.
Tính ra sau năm 2021, đà tăng trưởng của AIG đã dần giảm. Đến năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty đều tăng trưởng âm. Biên lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng không hề có sự bứt phá, thậm chí còn giảm đều từ năm 2019 đến nay.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ bán hàng hóa và doanh thu bán hàng thành phẩm đều đặn chiếm tỷ trọng cao, lần lượt chiếm 70% và 30%. Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng hóa thường chiếm 83-85% doanh thu thuần.
Trước khi lên sàn, AIG công bố kết quả kinh doanh khá tích cực khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng 2024 đạt 634 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mới dạt được 71% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Việc cổ đông tổ chức và Ban lãnh đạo rút bớt vốn trước khi niêm yết, cùng mô hình kinh doanh chưa có bứt phá rõ khiến nhà đầu tư lo ngại mức định giá của AIG khi lên sàn chưa phù hợp với triển vọng doanh nghiệp. Ngoài sức mua yếu từ các nhà đầu tư nội, từ khi AIG lên sàn đến nay, cũng chưa xuất hiện bất cứ giao dịch nào đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Xem thêm tại baodautu.vn