Chọn cổ phiếu cho 2 tháng cuối năm

Nhiều yếu tố tác động

Nhìn lại tháng 11/2023, thị trường chứng khoán tạo đáy và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh sau đó, còn năm 2022, thị trường bắt đầu tạo đáy vào tháng 10, kéo dài sang tháng 11. Tuy nhiên, khác với 2 năm trước, thị trường chứng khoán tháng 11/2024 đang có nhiều thông tin hỗ trợ.

Trong nước, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21/10 đến 30/11/2024 dự kiến sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật, kỳ vọng có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…

Bên cạnh đó, theo thống kê của FiinTrade, tính đến ngày 1/11/2024 có 1.060 doanh nghiệp niêm yết đại diện 98,5% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, với tổng lợi nhuận sau thuế tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì tốc độ tăng trưởng của 2 quý trước đó, dù có sự phân hóa rõ nét.

Quý IV/2024, nhiều ngành nghề, lĩnh vực được đánh giá có triển vọng sáng. Trong đó, đối với những doanh nghiệp có tính chất chu kỳ và lợi nhuận tập trung vào kỳ hạch toán như nhóm doanh nghiệp bất động sản công nghiệp, bất động sản dân cư, quý IV thường là “điểm rơi” lợi nhuận.

Với những ngành nghề có tính chất kinh doanh ổn định như thép, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, kết quả kinh doanh quý III có vai trò quan trọng trong việc đánh giá thực tế mức độ phục hồi của sản lượng và giá bán. Theo đó, giá cổ phiếu được nhận định sẽ có diễn biến tương đồng với sự tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III cũng như 9 tháng và triển vọng quý IV/2024.

Thực tế, những tháng cuối năm, các nhóm ngành thường ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan là hàng tiêu dùng, bán lẻ, xuất khẩu. Trong nhóm tài chính, ngành ngân hàng được nhận định tiếp tục tăng trưởng khi tín dụng được thúc đẩy, tiền gửi không kỳ hạn gia tăng (giúp cải thiện biên lãi ròng)…

Ở các ngành nghề chịu sự ảnh hưởng lớn bởi giá cả hàng hóa cơ bản như cao su, kết quả kinh doanh quý III/2024 có thể đã được phản ánh vào mặt bằng định giá cổ phiếu do những biến động của giá cao su trước đó.

Vì vậy, kỳ vọng của nhà đầu tư trong quý IV phụ thuộc vào biến động tiếp theo của giá cả hàng hóa cơ bản. Giá hàng hóa tăng hay giảm cũng sẽ có những doanh nghiệp được hưởng lợi hoặc chịu tác động bất lợi.

Trên bình diện toàn cầu, chỉ số giá cả hàng hóa của Ngân hàng Thế giới được dự báo giảm 3% trong năm 2024 và giảm 5% trong năm 2025, chủ yếu nhờ điều kiện cung ứng cải thiện (một số mặt hàng được dự báo có giá giảm như năng lượng, thực phẩm, phân bón).

Trên thế giới, thông tin ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 vào ngày 6/11 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần hai trong năm nay vào ngày 7/11 đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán Mỹ cũng như nhiều thị trường khác, bao gồm Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Điểm số và thanh khoản trong tháng 11 nhiều khả năng sẽ cải thiện so với tháng 10.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chịu áp lực tâm lý trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, thị trường cần những câu chuyện có tính chất hỗ trợ mạnh hơn để vượt qua cột mốc này.

Nhìn chung, với mức định giá P/E 13 lần hiện nay, tỷ suất sinh lời khoảng 7,7%, chứng khoán là kênh đầu tư khá hấp dẫn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Một số nhóm ngành đáng quan tâm

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank, nhóm công nghệ ghi nhận hiệu quả cao kể từ đầu năm 2024 đến nay, có thể duy trì sức hấp dẫn trong 2 tháng cuối năm cũng như năm 2025.

Bên cạnh đó, nhóm năng lượng (nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch), nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, vận tải, bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm mở ra xu hướng tích cực.

Thời gian qua, dòng tiền chủ yếu vận động tại nhóm cổ phiếu bluechip thuộc VN30, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa trung bình có kết quả kinh doanh khả quan nhưng vẫn bị giảm về mặt bằng hấp dẫn. Do vậy, nhóm vốn hóa trung bình có nền tảng tốt đang được quan tâm và có nhiều tiềm năng hơn trong giai đoạn cuối năm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, từ nay đến cuối năm 2024 có không ít nhóm ngành mang lại cơ hội đầu tư.

Cụ thể, ngành thép hứa hẹn có kết quả kinh doanh tích cực nhờ vào những nỗ lực giải quyết khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy đầu tư công, mở ra khả năng phục hồi của giá thép. Theo đó, cơ hội đầu tư nghiêng về các cổ phiếu đầu ngành như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen…

Ngành dầu khí được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ giá dầu thô neo cao và triển vọng từ dự án Lô B - Ô Môn. Nhu cầu thăm dò, khai thác và vận tải dầu khí sẽ tăng, đặc biệt khi các quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng.

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) là một doanh nghiệp thượng nguồn hưởng lợi sớm nhất từ siêu dự án này nhờ vào vai trò then chốt trong quá trình xây dựng và khoan thượng nguồn, chuẩn bị cho việc khai thác dòng khí đầu tiên dự kiến vào năm 2026.

Cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng đáng quan tâm khi doanh nghiệp đang tham gia vào nhiều dự án dầu khí lớn.

Với ngành dệt may, nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực, kéo theo nhu cầu về các sản phẩm dệt may gia tăng. May Sông Hồng (mã MSH), Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) là những doanh nghiệp có sự gia tăng đáng kể trong lợi nhuận sau thuế quý III/2024 và kỳ vọng đà tăng trưởng được duy trì trong quý IV/2024.

Ở ngành bán lẻ, giai đoạn cuối năm có thể bứt phá vì đây là nhờ mùa vụ kinh doanh, trong khi tác động từ lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024, thuế suất thuế giá trị gia tăng giảm 2% từ ngày 1/7/2024 đến 31/12/2024 dần trở nên rõ nét hơn, khuyến khích người tiêu dùng tăng chi tiêu. Một số cổ phiếu bán lẻ đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền như MSN của Tập đoàn Masan, MWG của Đầu tư Thế giới di động.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn